(VnMedia) - Mặc dù đã có quyết định thi hành án dân sự, tuy nhiên bị cáo liên quan trực tiếp tới "kỳ án gãy 8 răng không sưng miệng" vẫn liên tục kêu oan vì cho rằng hồ sơ vụ việc có nhiều điểm khuất tất...
Theo thông báo của TAND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thì vụ án của Nguyễn Văn Thành liên quan đến một vụ cố ý gây thương tích đã được TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm lần 2, bản án cuối cùng đã được tuyên.
Căn cứ theo kết quả xét xử, ngày 20/7/2017, TAND huyện Chư Sê đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, người liên qua trực tiếp tới vụ án này vẫn đang một mực kêu oan và khẳng định “tài liệu hồ sơ vụ án có rất nhiều điểm khuất tất”
Vụ va chạm của thanh niên làng
Theo như nội dung kêu cứu của anh Nguyễn Văn Thành, SN 1994, trú Thôn Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thì vào khoảng 22h30’, ngày 07/02/2013, sau khi buổi sinh nhật bạn, Nguyễn Văn Thành được bạn là Nguyễn Minh Hoàng chở về nhà tại Thôn Greo, Sek, xã Dun, huyện Chư Sê bằng xe mô tô.
Khi đi ngang qua nhà ông Nguyễn Đức Quyền thuộc địa bàn Thôn Tân Lập, thị trấn Chư Sê thì Thành nhìn thấy chị Nguyễn Thị Loan là con gái ông Quyền đang ngồi tâm sự trước cổng nhà với với anh Võ Đức Hòa, trú tại Tổ dân phố 1. Thấy vậy Thành có nói bảo Hoàng quay xe lại để tính chuyện với người đang ngồi cạnh chị Loan, lý do là bởi người này giống người trước đây đã đánh Thành khi Thành học cấp III.
Hoàng quay xe lại chỗ chị Loan và Hoà đang ngồi tâm sự thì Thành nhảy xuống xe, lao vào anh Hòa. Thấy đột ngột bị tấn công, Hòa cũng đứng dậy ôm ghì lấy Thành hai bên vật lộn nhau. Hoàng cũng lao vào cùng Thành Hòa.
Thấy bạn trai bị đánh, Loan tri hô: “Ba mẹ ơi! thằng Thành bọn nó đánh anh Hòa”. Nghe tiếng tri hô của Loan, ông Nguyễn Đức Quyền cùng con trai, vợ từ trong nhà chạy ra. Ông Quyền kéo Thành ra còn con trai ôm Hoàng đẩy ra. Sau khi được mọi người can ngăn, Hòa đứng dậy phủi quần áo, Loan cũng tiến lại phủi quần áo cho Hòa. Thấy ồn ào, người dân trong xóm kéo đến rất đông can ngăn, thì sự việc vãn hồi, Thành và Hoàng bỏ về.
Ngay trong đêm xảy ra việc xảy ra, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân cán bộ Công an thị trấn Chư Sê đã đến hiện trường, sơ bộ lấy lời khai các bên liên quan, soi tìm vật chứng tại nơi xảy ra sự việc đánh nhau nhưng không tìm thấy gì.
Nhận thức được sự việc con đánh nhau là sai trái, khoảng 24h đêm cùng ngày 07/02/2013, mẹ Hoàng là bà Nguyễn Thị Oanh đã ngay lập tức đến nhà ông Quyền hỏi thăm, thì được biết Loan bị thương ở mồm, cụ thể là bị gãy răng. Khoảng 22h40’, đêm ngày 07/02/2013, Loan có được người nhà ông Quyền đưa ra trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Tưởng rằng thương tích của Loan do con mình gay ra, bà Oanh đã ngỏ ý xin lỗi gia đình ông Quyền thì ông Quyền cho biết do Loan vô ý ngã vập miệng vào đống đá chẻ hay tấm đanh gì đó nên bị gãy răng.
Diễn biến bất ngờ
Tưởng rằng sự việc không có gì nghiêm trọng, các bên có thể hòa giải với nhau trên tinh thần giữ gìn được sự đoàn kết xóm làng thì bất ngờ khi làm việc với cơ quan công an Loan trình bày rằng khi xảy ra sự việc Thành đã dùng gậy đánh vào đầu, vào mặt Loan khiến Loan bất tỉnh. Sau đó Loan được sơ cứu rồi cho chuyển tới viện Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3 tại Pleiku, tỉnh Gia Lai từ 01h40’, ngày 08/02/2013 đến ngày 01/03/2013 thì ra viện.
Kết quả Giám định pháp y số 99, ngày 21/03/2014 của tổ chức Giám định Pháp y tỉnh Gia Lai kết luận: Chị Nguyễn Thị Loan bị tổn hại sức khỏe tỷ lệ thương tật 18%, trong đó:
Mất 05 răng 11-21-22-23-24 hàm trên và 03 răng 31-32-33 hàm dưới chưa ráp được răng giả, tỷ lệ 16% (C10-M12a-T104).
Một sẹo vết thương đỉnh đầu 0,5cm x 0,1cm, sẹo liền không ảnh hưởng chức năng, tỷ lệ 0,2% (C10-M12a-T106).
Tại bản Giám định số 353/C54C (Đ5) ngày 09/10/2013 của Phân viện Khoa học Hình sự tại Đà Nẵng kết luận: Để gây ra gãy các răng 3.1,3.2, 3.3, 1.1, 2.2, 2.3, 2.4; gãy thân các răng 4.1, 4.2, 4.3; lung lay độ II các răng 1.2, 1.3, 2.5 mà vùng môi, niêm mạc môi trên và môi dưới không để lại dấu vết thương tích thì chỉ có thể xảy ra khi vật cứng có tiết diện vừa, tác dụng trực tiếp vào các răng trên khi miệng ở trạng thái há vừa.
Ngày 08/08/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Sê tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách cho một người có chiều cao như Thành cầm miếng ván có kích cỡ khoảng 22 x 17 x 0,2cm, đứng trước mặt Hòa cách khoảng 20cm, tay phải cầm miếng ván đánh Hòa tạt ngang sang theo hướng từ phải qua trái, Hòa né được cú đánh nhưng lại đánh trúng miệng của Loan.
Ngày 12/02/2015, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê, đưa vụ án ra xét xử công khai tuyên Thành phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 BLHS và tuyên phạt Thành 05 năm, 01 tháng, 02 ngày tù giam. Về trách nhiệm dân sự, buộc Thành bồi thường cho Loan số tiền là: 196.448.604 đồng. Nhận thấy, việc xét xử như vậy của TAND huyện Chư Sê là làm oan cho mình, Thành đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Chư Sê.
Sau một thời gian thụ lý, ngày 01/06/2015, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án. Trên cơ sở nhận định quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có nhiều nội dung chưa được làm rõ, lời khai còn mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng đến việc đánh giá khách quan của vụ án nên HĐXX cấp phúc thẩm đã ra bản án tuyên hủy toàn bộ bán án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại.
Ngày 19/07/2016, TAND huyện Chư Sê, đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2. Tại phiên tòa lần này, Thành tiếp tục không thừa nhận hành vi dùng miếng ván có kích cỡ (22 x 17 x 02cm) vụt trúng miệng Loan.
Ngoài ra, lời khai của những người được CQĐT xác định là nhân chứng cũng khẳng định không nhìn thấy Thành đánh Loan. Tuy nhiên, Thành vẫn bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạm tội "cố ý gây thương tích" và hình phạt y như bản án sơ thẩm lần 01 đã bị hủy.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Thành tiếp tục làm đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm sơ thẩm lần 02 của TAND huyện Chư Sê bởi cho rằng bản thân không thực hiện hành vi đánh Loan.
Tại phiên xét xử phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Gia Lai, Hội đồng xét xử đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Văn Thành và tuyên 5 năm tù đối với bị cáo này.
Bên cạnh bản án này thì Thành phải còn bồi thường cho chị Loan số tiền gần 200 triệu đồng từ nhiều khoản cộng lại. Có bản tuyên án, đến ngày 20/7/2017, TAND huyện Chư Sê đã phê duyệt quyết định thi hành án hình sự đối với Nguyễn Văn Thành.
Bản án không tâm phục, khẩu phục?
Trước bản án mà TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên, Nguyễn Văn Thành cho biết, lời khai ban đầu Loan bị gãy 08 chiếc răng tại Công an thị trấn, do thấy dùng gậy vụt vào mặt mà môi trên, môi dưới của Loan không bị trầy xước.
Tại cơ quan Công an thị trấn Thành đã khai nhận mình có hành vi dùng cùi trỏ đánh vào mặt chị Loan, sau này Thành cho rằng mình bị mớm cung nên mới khai như vậy.
Tuy nhiên, qua kết luận trưng cầu giám định tại Phân viện Khoa học hình sự Đà Nẵng ngày 09/10/2013 thì cho rằng dùng tay tác động khó có thể gây được thương tích gãy các răng của chị Loan.
Do không thể kết luận việc Thành dùng cùi chỏ đánh gẫy nhiều răng của chị Loan, CQCSĐT đã cho rằng cơ chế hình thành thương tích cho Loan theo hướng Thành dùng 01 tấm ván có kích thước 22 x17 x 02cm vụt vào mồm Loan. Tuy nhiên, điều này là không thể xảy ra bởi lẽ ngay sau khi kết thúc sự việc, cán bộ công an Công an thị trấn Chư Sê và nhiều người khác đã đi soi tìm vật chứng nhưng không tìm thấy.
Tại bản kết luận điều tra ngày 05/01/2016, Cơ quan CSĐT lấy lời khai của 09 người, trong đó gồm có 05 người làm chứng và 04 người bên bị hại thì cả 09 người đều khẳng định không nhìn thấy Thành đánh chị Loan và chỉ nhìn thấy cánh tay của Thành vung lên. Duy chỉ có Loan và ông Quyền cho rằng Thành cúi xuống cầm vật gì đó không rõ dùng để đánh Hòa, Hòa né được cú đánh nên vào mặt chị Loan do đứng sau Hòa.
Phía anh Nguyễn Văn Thành cho rằng, theo kết luận giám định thì Loan bị 02 thương tích, trong đó 01 vào vùng đầu tỷ lệ 02%, 01 vào miệng gãy răng tỷ lệ 16%. Theo kết luận tưởng tượng của cơ quan tiến hành tố tụng, dùng miếng ván (22 x 17 x 02cm) đánh vào miệng chị Loan gây thương tích gãy 08 chiếc răng, vậy vết thương trên đầu chị Loan là do vật gì đánh vào thì không được lý giải.
Một điều mà Thành cho là bất thường đó là khi sự việc đánh nhau diễn ra, Thành vật lộn với Hòa, có 09 người vừa là người bị hại và là người làm chứng không ai nhìn thấy Thành đánh Loan, trong khi khoảng cách là rất gần, có đèn đường nhìn rất rõ.
Hơn nữa lời thừa nhận của ông Quyền rằng Loan bị vấp vào đống đá chẻ nên bị thương tích có mối liên hệ gì với việc trước 05h sáng hôm sau ngày 08/02/2013, gia đình ông Quyền đã chuyển đống đá đi đâu? Di chuyển đống đá chẻ đi nơi khác ngay lập tức như vậy thì sử dụng vào mục đích gì? Theo tôi không ngoài mục đích gì khác làm xóa dấu vết khi chị Loan ngã vập mặt vào đống đá chẻ vết máu còn để lại.
Có thể thấy vụ việc nêu trên của Nguyễn Văn Thành đã có nhiều vấn đề bất thường cần được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ nhằm tránh một vụ án oan sai, gây ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương?
Nhật Nguyệt
Ý kiến bạn đọc