Sai sót trong Bộ luật Hình sự là điều đáng tiếc

09:29, 15/04/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, việc phát hiện 7 lỗi sai sót trong các điều 233, 249, 250, 252, 304, 305, 370 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 là điều vô cùng đáng tiếc, dẫn tới việc thi hành trên thực tế sau ngày 01/7/2016 tới đây là rất khó khăn và không khả thi.

Thời gian gần đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã liên tiếp bị phát hiện những sai sót. Các điều luật, nhất là Phần các tội phạm có một số lỗi chủ yếu là quy định về định lượng giống hệt nhau ở các khung hình phạt khác nhau. Về vấn đề này VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) để hiểu rõ hơn.

- Luật sư có ý kiến như nào về việc thời gian gần đây liên tiếp phát hiện những sai sót của BLHS năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2016?

Luật Hình sự Việt Nam là luật đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Bộ luật Hình sự 2015 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật Hình sự của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ luật hình sự Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và hạn chế một số quyền con người. Luật Hình sự là một công cụ chuyên chính vô sản của Nhà nước ta chuyên chính với những phần tử thù địch, chống lại nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân để xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN.

Đến thời điểm này mới chỉ phát hiện 7 lỗi nghiêm trọng trong các điều 233, 249, 250, 252, 304, 305, 370 của BLHS 2015 là điều vô cùng đáng tiếc, dẫn tới việc thi hành trên thực tế sau ngày 01/7/2016 tới đây là rất khó khăn và không khả thi.

Trước khi chính thức thông qua BLHS 2015, Nhà nước ta đã có dự thảo công khai trên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân

Việc ban hành Bộ luật Hình sự 2015 được dựa trên Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008. Và việc ban hành một Bộ luật được thực hiện qua rất nhiều khâu và rất chặt chẽ theo qui định của pháp luật. Nhưng không hiểu sao lại xảy ra tình trạng sai sót nghiêm trọng như vậy.

- Trách nhiệm của việc sai sót này do đâu, thưa luật sư?

Theo quan điểm của Luật sư, trách nhiệm đầu tiên sai sót này thuộc về cơ quan soạn thảo luật.

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/03/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Nhiêm vụ và quyền hạn của Bộ tư pháp:

Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

 “Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm đã được phê duyệt và các dự án, đề án khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc ký kết, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập và biện pháp bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ

Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật”.

- Các sai sót này cần được giải quyết, khắc phục như thế nào?

Qua các thông tin truyền thông thì thấy rằng BLHS 2015 đã được công bố trên các trang Website của các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước, website chuyên về văn bản pháp luật và đăng tải trên website Công báo của Chính phủ thì vẫn có 03 lỗi như trên. Đặc biệt các ấn phẩm sách phát hành của các nhà xuất bản cũng có lỗi như trên.

Căn cứ Điều 78. Thời điểm có hiệu lực và việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật

“Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo.

Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản.

Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc.

Chính phủ quy định cụ thể về Công báo”

Như vậy, theo qui định của pháp luật, Bộ luật hình sự 2015 đã được Quốc Hội thông và sẽ có hiệu lực thi hành trên thực tế kể từ ngày 01/7/2016 mà không phụ thuộc vào các sai sót về một số tội được qui định trong Bộ luật này.

Nếu phát hiện ra những sai sót, bất cập, không khả thi thì Quốc hội sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi BLHS 2015 sau ngày 01/7/2016.

Do đó, kỳ họp Quốc Hội khóa tới phải sửa lại BLHS 2015. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có đủ thẩm quyền sửa đổi luật.

Điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

1. Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

2. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó; trong trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản đó danh mục văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.

3. Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành.

- Luật sự có thể chỉ ra các sai sót cụ thể trong BLHS 2015?

Theo quan điểm của luật sư, đây là lỗi sai sót có hệ thống trong việc soạn thảo nên nó có ảnh hưởng liên tục từ đầu đến cuối điều luật và dẫn tới bỏ lọt hành vi phạm tội và sẽ không biết sẽ xử lý như nào trên thực tế. Cụ thể như sau:

Điều 233. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông (m2) đến 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 mét vuông (m2) đến 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng.

Với quy định như vậy điểm d khoản 2 mâu thuẫn với điểm b khoản 3 về quy định số m2 đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Xử lý khoản 2 hay ở khoản 3?

Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

Với qui định này thì dưới 10kg sẽ không bị xử lý về hành vi này? Nếu người nào tàng trữ Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam thì xử lý theo khoản 2 hay khoản 3?

Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

Với qui định này thì dưới 10kg sẽ không bị xử lý về hành vi này? Nếu người nào vận chuyển Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì xử lý theo khoản 1 hay khoản 2?

Điều 252 Tội chiếm đoạt ma túy

1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

Với qui định này thì dưới 10kg sẽ không bị xử lý về hành vi này? Nếu người nào chiếm đoạt Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì xử lý theo khoản 1 hay khoản 2?

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

...

đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

…..

Nếu vật phạm pháp có số lượng đúng 31 kilôgam thuốc nổ thì không có qui định xử lý?

Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ

Nếu thuốc nổ có số lượng đúng 31 kilôgam thuốc nổ thì không có qui định xử lý?

Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật

1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

...

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

...

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

...

Nếu qui định như trên thì trường hợp gây thiệt hại đúng 1.000.000.000 đồng thì xử lý theo khoản 2 hay khoản 3?


Ý kiến bạn đọc