Sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông thế nào ?

10:32, 10/02/2015
|

(VnMedia) - Nếu được hỗ trợ sơ cứu kịp thời, nạn nhân bị tai nạn giao thông có thể vượt qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên nếu sơ cứu không đúng cách, vết thương có thể trầm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng nạn nhân.

Đó là cảnh báo của các chuyên gia Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tại buổi tập huấn kỹ năng sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông do Ford Việt Nam phối hợp thực hiện.

Theo số liệu từ Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong năm 2014 toàn quốc xảy ra 25.322 vụ tai nạn, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ ( giảm 13,8%), giảm 373 người chết (giảm 4%), giảm 5.083 người bị thương (giảm 17,2%).

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn  giao thông quốc gia,  nhận định “Đây là một tín hiện đáng mừng nhưng chưa đáng kể, vì cùng với việc tăng cường nhận thức của người dân khi tham gia giao thông và sự đóng góp của các doanh nghiệp trong công cuộc “xã hội hoá giao thông”, chắc chắn số vụ tai nạn còn có khả  năng giảm hơn nữa trong thời gian tới.”

Ảnh minh họa

Tập huấn sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông

Buổi tập huấn bao gồm hai phần chính: Phần tập huấn kỹ năng lái xe an toàn do chuyên gia tại Ford Việt Nam hướng dẫn và phần tập huấn sơ cứu khi tai nạn giao thông xảy ra do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đảm nhận.

Các chuyên gia của Trung ương hội chữ thập đỏ đã hướng dẫn 3 trường hợp phổ biến cần sơ cứu khi xảy ra tai nạn giao thông là nạn nhân bất tỉnh; gãy xương, chấn thương cột sống và chảy máu. Chẳng hạn với trường hợp bất tỉnh (gọi hỏi không phản ứng, người mềm nhũn, biểu hiện toàn thân: da tím tái, người lạnh, vã mồ hôi) mà nạn nhân còn thở thì cần xoay nạn nân nằm nghiêng theo đúng tư thế để dễ thở hơn, không để nạn nhân nằm ngửa.

Nguy hiểm hơn là trường hợp nạn nhân ngừng thở, tim ngừng đập, sau 4 phút não tổn thương, sau 10 phút não tổn thương không hồi phục, cần hồi sinh tim, phổi để cung cấp ô xy cho cơ thể, ngăn ngừa tổn thương não, chờ hỗ trợ nâng cao. Người hỗ trợ cần thực hiện các biện pháp ép tim, hà hơi thổi ngạt theo đúng cách…

Với trường hợp bị gãy xương (kín và hở), các chuyên gia yêu cầu thực hiện 4 không: không lắc chi gẫy, không kéo nắn chi về vị trí tự nhiên, không cởi bỏ quần áo giầy dép, không vận chuyển nạn nhân khi chưa cố định gãy xương.

Ảnh minh họa

Hàng trăm lái xe tham dự buổi tập huấn


Trường hợp nạn nhân bị chảy máu ngoài, cần băng ép trực tiếp cầm máu, nếu có dị vật tuyệt đối không rút bỏ dị vật bởi có thể làm máu chảy mạnh hơn…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, không được di chuyển nạn nhân bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, bị chở đi đường xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp; không đưa bất kỳ vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

Đặc biệt, đồng thời với việc sơ cứu nạn nhân, người hỗ trợ cần gọi ngay tới đơn vị y tế, trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ nhiều hơn về sơ cứu trước khi đưa tới các bệnh viện, cơ sở y tế…


Quỳnh Trang

Ý kiến bạn đọc