Nhắn tin khi lái xe: Hiểm họa tăng 23 lần!

06:29, 16/10/2015
|

(VnMedia)- Việt Nam là một “cường quốc” smartphone ở châu Á nhưng thói quen sử dụng có nhiều bất cập, trong đó việc nhắn tin khi lái xe có thể làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông lên hàng chục lần.

Cụ thể, theo số liệu nghiên cứu của Opera, Việt Nam nằm trong top “4P” (4 cường quốc)

sử dụng điện thoại thông minh smartphone ở châu Á, với tỷ lệ sử dụng smartphone tăng mạnh 545% kể từ năm 2013. Điều này cho thấy sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen sử dụng điện thoại của người dân lại đang có nhiều bất cập, nhất là khi đang tham gia lưu thông trên đường.

Hiểm họa tai nạn giao thông tăng vọt khi vừa lái xe vừa nhắn tin
Hiểm họa tai nạn giao thông tăng vọt khi vừa lái xe vừa nhắn tin

Theo nghiên cứu khác của Ủy ban an toàn giao thông xa lộ quốc gia Mỹ (NHTSA), việc nhắn tin khi lái xe làm tăng khả năng xảy ra tai nạn giao thông lên 23 lần. Đây cũng là lý do hàng đầu dễn đến sự mất tập trung - nguyên nhân của 65% số vụ tai nạn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, chương trình Car Care Day 2015 (Chăm sóc xe toàn diện) đã gửi đi thông điệp “Không nhắn tin khi lái xe” trong cộng đồng những người sử dụng ô tô và xã hội, với mong muốn góp phần nâng cao ý thức của lái xe khi tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.

Ông Trần Hồng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Ô tô chia sẻ: “Tại Car Care Day 2014, khi được hỏi có thường xuyên vừa nhắn tin vừa lái xe không, hơn 31% khách hàng tham gia thừa nhận là thường xuyên. Việc nhắn tin khi lái xe là đi ngược lại bản chất an toàn của giao thông, đe dọa tính mạng của mình và những người xung quanh”.

Hưởng ứng chiến dịch
Hưởng ứng chiến dịch "Không nhắn tin khi lái xe" tại Việt Nam

Chương trình cũng kêu gọi các gia đình có trẻ vị thành niên cùng xây dựng ý thức “Không nhắn tin khi lái xe” cho lứa tuổi này, vì những thói quen của bố mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của con cái. Theo Opera, sử dụng smartphone ở các cường quốc 4P đa số là thanh niên, tuổi sử dụng trung bình là dưới 24, trong đó tại Việt Nam, 50% người sử dụng từ 19 tuổi trở xuống.

Phượng Nguyễn


Ý kiến bạn đọc