(VnMedia) -
Với 20.000 người tham gia khảo sát, Việt Nam xếp thứ 34/80 quốc gia về kỹ năng tiếng Anh, giảm 0,63 điểm so với năm ngoái.
Sáng nay (17/11), Tổ chức giáo dục quốc tế EF Eduacation First đã công bố bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành trên toàn cầu.
Việt Nam tụt hạng đáng kể trên toàn cầu
Ông Minh Trần - Đại học Yale - Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao của EF toàn cầu cho biết, chỉ số EF EPI năm 2017 xếp hạng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên dữ liệu kiểm tra của hơn một triệu người trưởng thành đã làm bài kiểm tra Anh ngữ tiêu chuẩn EF (EF SET), bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa miễn phí đầu tiên trên toàn thế giới.
Theo bảng xếp hạng, Châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về trình độ tiếng Anh, với 8 nước châu Âu nằm trong top 10. Theo sau là Châu Á, với chỉ số thông thạo tiếng Anh đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, giữa các quốc gia trong Châu Á có khoảng cách rất lớn về trình độ. Năm nay, điểm chỉ số của Việt Nam giảm 0,63 điểm, và tụt 3 hạng, từ 31 trong năm 2016 xuống hạng 34.
Nhận xét thêm về vấn đề này, ông Minh Trần - Đại học Yale - Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao của EF toàn cầu đánh giá: “Mặc dù chỉ giảm 0,63 điểm nhưng năm nay số lượng các nước tham gia khảo sát trình độ tăng lên, nên Việt Nam tụt hạng đáng kể. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc trong năm vừa qua, mức độ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam đang dậm chân tại chỗ và không có tiến bộ nào đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, với mức tăng gần 3 điểm (từ 51,57 lên 53,43), Việt Nam được xếp vào nhóm có mức cải thiện lớn nhất trong bảng xếp hạng”.
Để giữ vững mức tăng này, ông Minh Trần cho rằng, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào việc cải cách chương trình học và việc đào tạo nâng cao kỹ năng của giáo viên tiếng Anh trên toàn quốc. Giáo viên nên làm quen với việc hướng dẫn cho học sinh bằng tiếng Anh, với trọng tâm là kỹ năng giao tiếp.
Theo đánh giá, hai thành phố tại Việt Nam có khả năng thông thạo tiếng Anh cao nhất vẫn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, và rộng hơn, vùng Đông Nam và Đồng bằng Sông Hồng được đánh giá có chỉ số sử dụng thông thạo tiếng Anh cao hơn so với các vùng còn lại.
Mức độ thông thạo tiếng Anh có mối tương quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh kinh tế, phát triển xã hội và đổi mới. Các quốc gia có trình độ tiếng Anh cao hơn thường có thu nhập trung bình cao hơn, chất lượng cuộc sống và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Quốc gia có trình độ tiếng Anh cao đạt thuận lợi kinh doanh cao hơn
Theo báo cáo của EF, năm 2017, tiếng Anh vẫn tiếp tục là phương tiện tối cần thiết cho giao tiếp quốc tế như trước đây. Đó là ngôn ngữ của thương mại, khoa học, kinh doanh và ngoại giao. Việc sử dụng tiếng anh trên toàn cầu không phải là một minh chứng cho sự vượt trột về văn hóa của bất kỳ quốc gia nào, mà là sự phản ánh nhu cầu có một ngôn ngữ chung trong thế giới được kết nối sâu sắc.
Xét trên toàn thế giới, phụ nữ có trình độ tiếng Anh cao hơn nam giới. Phụ nữ ở hầu hết các quốc gia có trình độ học vấn cao hơn nam giới, nhiều khả năng hoàn thành bậc trung học và đại học thay vì theo con đường học nghề. Tuy nhiên, khoảng cách giới tính đang thu hẹp lại ở một số khu vực.
Những quốc gia có trình độ tiếng Anh cao đạt kết quả tốt hơn về những chỉ số chủ chốt mức độ thuận lợi kinh doanh, và luôn có sự tương quan chặt chẽ giữa mức độ thuận lợi kinh doanh và trình độ tiếng Anh. Mặc dù các doanh nhân có thể không cần tiếng Anh để kinh doanh ở phạm vi quốc gia hay địa phương, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi quốc tế ngày càng tăng với vai trò là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, là khách hàng mua thành phẩm, hoặc là đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp tương tự ở nước ngoài.
Với các nền kinh tế trên toàn thế giới, trình độ tiếng Anh cao hơn đi kèm nhiều lợi ích đáng kể. Trình độ tiếng Anh có tương quan với một số chỉ tiêu kinh tế, bao gồm tổng sản phẩm quốc nội và tổng thu nhập quốc dân trên đầu người. Với các nước đang phát triển, quá trình chuyển đổi từ kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tri thức đòi hỏi những người trưởng thành có trình độ tiếng Anh tốt và có khả năng hợp tác quốc tế. Do đó có sự tương quan chặt chẽ giữa trình độ tiếng Anh và dịch vụ xuất nhập khẩu.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc