(VnMedia) -
HSBC nhận định triển vọng của Việt Nam vẫn khả quan, nhờ vào các thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và các khu vực phục vụ xuất khẩu. Các chỉ số cơ bản của PMI tháng Năm bớt khả quan hơn so với trước đây cho thấy khả năng suy giảm chỉ trong ngắn hạn.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam, Ngân hàng HSBC cho rằng, các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - nền tảng tăng trưởng của Việt Nam - đang cho thấy tăng trưởng sẽ còn tiếp tục. Sản lượng đầu ra, công ăn việc làm, đơn hàng mới - cả tổng đơn hàng và đơn hàng từ nước ngoài - tiếp tục gia tăng.
Theo HSBC, vì sản xuất là một trong những lĩnh vực đầu tàu của tăng trưởng kinh tế, bất kỳ sự giảm nhiệt nào đều có khả năng dẫn tới lòng tin bị suy giảm. Thực tế là trong tháng Năm, các nhà sản xuất đã rất lo ngại về cầu của khách hàng khiến cho niềm tin toàn thị trường rớt xuống mức thấp nhất trong vòng gần bốn năm.
Trong bối cảnh tăng trưởng cầu chậm lại, lạm phát giá đầu vào đi xuống tháng thứ hai liên tiếp. Điều này tạo điều kiện cho giá đầu ra giảm mà không cần phải hạ biên lợi nhuận. Tận dụng giá nguyên liệu thô thấp hơn, một vài công ty đã tăng mua đầu vào không chỉ vì yêu cầu sản xuất cao hơn mà để dự trữ, cho thấy một vài công ty vẫn đang kỳ vọng cầu sẽ tăng trở lại.
Biểu đồ 1 (trái): Sản xuất giảm trong tháng 5. Biểu đồ 2 (phải): Xuất khẩu thể hiện tốt. Nguồn: HSBC |
Xuất khẩu vẫn gia tăng
HSBC nhận định, hoạt động tại các thị trường nước ngoài rất khả quan. Ngay cả khi môi trường toàn cầu có nhiều bất ổn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn gia tăng ở mức 25% so với cùng kỳ năm trong tháng Năm, trong khi tăng trưởng tháng trước đó được điều chỉnh lên 21,8% so với mức ban đầu là 16%.
Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ tùng thay thế - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - tăng trưởng 39,8% so với cùng kỳ, nhờ Samsung ra mắt sản phẩm mới. Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu cũng mạnh ở mức 26,8% so với cùng kỳ năm trong tháng Năm, khiến cán cân thương mại bị thâm hụt.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thâm hụt thương mại không đáng lo vì Việt nam đang phải nhập khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, đồ điện tử, máy tính và linh kiện, thép, nhựa và hóa chất, vốn được sử dụng trong các quy trình sản xuất.
Đối với ngành bán lẻ, HSBC chỉ ra rằng vực nội địa vẫn vững vàng trong suốt tháng, thể hiện ở doanh số bán lẻ trong tháng Năm tăng 13,1% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi điều chỉnh theo lạm phát trong tháng đạt 9,9%, từ mức tăng 9,2% của tháng trước.
Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, với doanh thu hằng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD trong năm ngoái. Thu nhập khả dụng không quá cao vì nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp.
Nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên thành một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ. Triển vọng này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình năm (đạt mức 2.200 USD năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.
Sự kết hợp giữa sự gia tăng nhanh chóng về thu nhập bình quân của người tiêu dùng Việt và sự nới lỏng các luật lệ đang tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp lĩnh vực bán lẻ phát triển mạnh mẽ.
Biểu đồ bên trái: Lạm phát đang hạ nhiệt. Biểu đồ bên phải: Áp lực về giá vẫn trong tầm kiểm soát. Nguồn: HSBC |
Ngân hàng Nhà nước sẽ không nới lỏng tiền tệ do tăng trưởng tín dụng đang mạnh
Báo cáo cũng nhận xét lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, với chỉ số lạm phát trong tháng Năm ở mức 3,2% so cùng kỳ năm, giảm so với mức 4,3% của tháng trước. Gia tăng chi phí trong lĩnh vực y tế chiếm hơn 90% trong tổng số mức tăng. Mặc dù vậy, giá cả của dịch vụ y tế và bệnh viện sẽ còn tăng theo lộ trình của Bộ Y tế.
Lạm phát đang chững lại nhưng Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ không thực hiện nới lỏng tiền tệ do tăng trưởng tín dụng đang mạnh, báo cáo của HSBC nhận định.
HSBC nhận định triển vọng của Việt Nam vẫn khả quan, nhờ vào các thế mạnh của lĩnh vực sản xuất và các khu vực phục vụ xuất khẩu. Các chỉ số cơ bản của PMI tháng Năm bớt khả quan hơn so với trước đây cho thấy khả năng suy giảm chỉ trong ngắn hạn.
Có một số dấu hiệu cho thấy sức cầu có thể sẽ hồi phục hơn là đi xuống. Ví dụ như, theo khảo sát PMI, một số nhà sản xuất đã đề cập đến gia tăng tồn trữ đầu vào, cho thấy họ kỳ vọng lực cầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Tiến Vinh
Ý kiến bạn đọc