(VnMedia) -
Theo ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, hiện để xử phạt những người vứt rác tại các bãi rác tự phát, nơi công cộng, hoặc hành vi 'tiểu tiện' người vãng lai qua lại địa bàn… cực kỳ khó.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng nay (25/4).
Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra môi trường
Chỉ ra điểm mới trong Nghị định 155, ông Hoàng Văn Tý – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường – Tổng cục Môi trường cho biết, Nghị định này được đảm bảo quy định không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đặc biệt, một năm chỉ có một đoàn kiểm tra, thanh tra, trừ trưởng hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất.
Riêng về mức phạt, ông Tý cũng cho biết, Nghị định 155 quy định mức phạt đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có thể thông qua mức phạt lên gấp 2 lần so với quy định chung. Trường hợp có nhiều thông số vượt, tùy theo mức vượt sẽ tăng thêm từ 10% đến 50% nhưng không quá khung phạt cao nhất. Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều điểm xả thải thì bị xử phạt theo từng điểm xả thải.
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 155 được Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường – Tổng cục Môi trường đưa ra là những quy định về vi phạm vệ sinh môi trường khu dân cư.
Theo đó, những trường hợp vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định. Vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, không che chắn hoặt để rơi vãi; quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường...
Rất khó phát hiện người vi phạm để xử phạt
Liên quan đến công tác thanh kiểm tra, ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã được tăng cường và đạt hiệu quả cao, từ đó đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2016 vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 2.391 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 578 cơ sở, với số tiền phạt hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh những mặt đạt được, ông Thái cũng chia sẻ, kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian vừa qua cũng cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại môi số cơ sở được kiểm tra còn chưa được thường xuyên và nghiêm túc.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 155, ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội thẳng thắn nói, việc phải giám sát, phát hiện vi phạm để lập biên bản rất khó.
“Hành vi vi phạm lại diễn ra mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, trên mỗi địa bàn chỉ có một cán bộ phụ trách trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chỉ làm trong giờ hành chính. Vậy ai có thể giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân để xử phạt”, ông Thái nói.
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định 155 lại chỉ quy định đối với hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường, không quy định đối với hành vi xả nước thải (của các cá nhân kinh doanh tại vỉa hè) trên vỉa hè, đường phố.
Với những điểm trên, ông Thái khẳng định, hiện để xử phạt những người vứt rác tại các bãi rác tự phát, hoặc hành vi 'tiểu tiện' người vãng lai qua lại địa bàn, vứt tàn thuốc lá, vứt rác ra nơi công cộng… cực kỳ khó.
Theo ông Nguyễn Duy Tiên – Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị định số 155 ra đời đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Tiên cũng cho rằng, Nghị định 155 vẫn còn có hành vi bị bỏ trống, chưa xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc