Chứng khoán liên tục giảm: Đề phòng những rủi ro

06:26, 24/04/2017
|

(VnMedia) - Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, trong tuần tới, cơ hội chứng khoán tăng giá sẽ không được đánh giá cao và rủi ro giảm giá lại mạnh hơn khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang trong xu hướng điều chỉnh rõ nét. Do đó, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến đề phòng đà giảm mạnh tái diễn.

Chứng khoán tiếp đà trượt giảm, thanh khoản thấp

Chịu tác động từ đà giảm của tuần trước, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 17/4 - 21/4) tiếp tục đối mặt với những phiên lao dốc. Giao dịch ảm đạm, kèm thanh khoản thấp. Xu hướng bán tháo luôn áp đảo trên sàn, khiến các chỉ số trên sàn Hà Nội và TP.HCM có thêm một tuần mất giá.

Theo đó, khởi động phiên làm việc đầu tuần, thị trường chứng khoán đã tái diễn kịch bản bi quan. Giao dịch diễn ra trong sự thận trọng của người cầm tiền. Trong khi đó, hoạt động bán ra của những người ôm cổ phiếu lại diễn ra mạnh mẽ. Bảng điện tử bao phủ sắc đỏ.

Không nhận được lực đỡ, thị trường chứng khoán đã tái hiện sắc đỏ khi chốt phiên giao dịch cuối tuần.

Sau phiên đầu tuần trượt dốc, thị trường đã lấy lại được đà đi lên trong hai phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giao dịch không thực sự khởi sắc khiến khoảng cách tăng điểm chỉ giữ ở mức thấp.

Chứng khoán có thêm một tuần lao dốc. Ảnh minh họa
Chứng khoán có thêm một tuần lao dốc. Ảnh minh họa

Giao dịch thận trọng, xu hướng bán ra liên tục hiện hữu khiến các chỉ số lại quay đầu đi xuống trong phiên làm việc cuối tuần.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã giảm 0,84% khi chốt tuần ở mức 712,41 điểm. Cùng chiều, chỉ số HNX-Index bên sàn Hà Nội cũng giảm 0,86% khi chốt tuần ở mức 88,87 điểm.

Cùng với các chỉ số, thanh khoản trên cả hai sàn cũng đồng loạt sụt giảm mạnh trong tuần qua. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM chỉ đạt 142,3 triệu đơn vị/phiên giảm 21,48% so với tuần giao dịch trước. Sàn Hà Nội cũng giảm 16,34% khi chỉ đạt 60,7 triệu cổ phiếu/phiên.

Theo dõi thị trường chứng khoán có thể thấy, tuần qua, nhiều cổ phiếu đã đối mặt với đà trượt sâu. Trong đó, có những mã trải qua đến 4/5 phiên giảm.

Tại sàn TP.HCM, cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã đứng đầu danh sách giảm mạnh nhất tuần. Với 4 phiên giảm mạnh và 1 phiên đứng giá, TTF đã giảm 1.650 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm gần 20% giá trị.

Đứng sau TTF là CYC của Công ty cổ phần gạch men Chang Yih, với mức giảm hơn 19%, từ mức 2.320 đồng/cổ phiếu hôm 14/4 xuống còn 1.870 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần 21/4.

Với mức giảm 17%, cổ phiếu VNS của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đã giữ ở vị trí thứ 3 trong nhóm những mã giảm mạnh nhất tuần.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu V21 của Công ty cổ phần Vinaconex 21 đã dẫn đầu danh sách giảm mạnh nhất tuần qua. Với 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên đứng giá, cổ phiếu V21 đã giảm gần 23%, từ mức 13.500 đồng/cổ phiếu hôm 14/4 xuống 10.400 đồng/cổ phiếu.

Giữ ở vị trí thứ 2 trong Top những mã giảm mạnh nhất tuần là SDP của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu Khí Sông Đà, với mức giảm hơn 17%, từ mức 6.400 đồng/cổ phiếu hôm 14/4 xuống chỉ còn 5.300 đồng/cổ phiếu hôm 21/4.

Cổ phiếu VE8 của Công ty cổ phần xây dựng điện VNECO 8 giữ vị trí thứ 3, với mức giảm hơn 14%, từ mức 14.500 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 14/4 xuống chỉ còn 12.400 đồng/cổ phiếu hôm 21/4.

Nhà đầu tư chưa nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao

Theo dõi chứng khoán có thể thấy, trong những tuần vừa qua, thị trường liên tục trượt giảm. giao dịch thiếu khả quan. Đà bán tháo liên tục áp đảo trên bảng điện tử. Trước diễn biến này, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng và chưa nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt – BVSC, thị trường tiếp tục có diễn biến lình xình và phân hóa ở mức cao giữa các nhóm cổ phiếu. Trong bối cảnh chưa xuất hiện các tín hiệu hồi phục đáng tín cậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì tỷ trọng thấp cho danh mục trung hạn.

Tuy nhiên, vẫn có thể kết hợp trading mua vào một tỷ trọng nhỏ cho danh mục ngắn hạn khi chỉ số về các vùng hỗ trợ, nhưng cần quay vòng bán ra ngay sau khi thị trường có nhịp hồi.

Trong khi đó, Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC lại cho rằng, hiện chỉ số HNX-Index bên sàn Hà Nội vẫn giữ được tín hiệu tích cực cho xu hướng trung hạn. Trong khi đó, cả chỉ số Vn-Index và VN30 bên sàn TP.HCM đã nằm phía dưới ngưỡng cản trung hạn này, qua đó chuyển tín hiệu xu hướng xuống mức trung tính.

“Nhìn tổng thể áp lực giảm điểm trong ngắn hạn của thị trường, đặc biệt là hai chỉ số Vn-Index và VN30 vẫn còn hiệu hữu. Dự báo chỉ số Vn-Index có thể có xu hướng giảm trong tuần tới, kiểm định hỗ trợ ngắn hạn tại 705 điểm hoặc trong trường hợp xấu hơn là 695 điểm”, Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt nhận định.

Cùng quan điểm, Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, việc thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho thấy dòng tiền tham gia bị sụt giảm, điều này ảnh hưởng kém tích cực cho sự hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Do vậy nhà đầu tư vẫn nên duy trì danh mục ở mức an toàn.

Đưa ra nhận định cho tuần tới, Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS cũng nhận định, trong tuần tiếp theo, cơ hội của chiều giá tăng sẽ không được đánh giá cao và rủi ro giảm giá cũng mạnh hơn khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang trong xu hướng điều chỉnh rõ nét. Do đó, nhà đầu tư đang có cổ phiếu sẽ cần theo sát diễn biến trong giai đoạn này và đề phòng đà giảm mạnh tái diễn.

“Nhà đầu tư nên tiếp tục tranh thủ các trạng thái hồi phục trong phiên để cơ cấu lại danh mục. Với các nhà đầu tư có mức chịu rủi ro cao thì tỷ trọng tiền mặt cũng không nên vượt quá 50% tổng tài sản”, Công ty cổ phần chứng khoán FPT khuyến nghị.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc