Năm 2017: Môi trường đầu tư và kinh doanh Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện

06:28, 25/04/2017
|
(VnMedia) - Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
 
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi
 
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi.
 
Đưa ra lý do cho dự báo này, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, hiện các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang trên đà phục hồi sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy việc xuất khẩu, vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
 
Cùng với đó, những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc. “Với những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và 2017 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm nay, kỳ vọng rằng trong thời tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mức độ gia nhập thị trường và gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế sẽ tăng mạnh hơn so với năm 2016”,  Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nhận định.
 
Quý 2/2017 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước. Ảnh minh họa
Quý 2/2017 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước. Ảnh minh họa
 
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
 
Những bất ổn đó có thể kể đến như, thách thức từ bên ngoài do bất ổn địa chính trị năm 2016, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và việc rút khỏi TPP và vấn đề chính trị hóa vốn đầu tư của Mỹ, có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
 
Cùng với đó, những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của nước này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, và tăng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, cũng như những rủi ro lớn khi tiếp nhận những nhà máy, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài hay dưới hình thức ODA.
 
Một yếu tố nữa cũng được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra là, sức ép lạm phát đang gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và biến động tài chính tiền tệ…
 
Kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện
 
Đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, quý 2 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước. 
 
Cũng theo đơn vị này, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý 2 và những tháng cuối năm được dự báo sẽ được đẩy mạnh hơn so với quý I do bước vào chu kỳ sản xuất hàng năm, từ đó kích thích khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao. 
 
Đặc biệt, công nghiệp khai khoáng suy giảm vẫn đang tồn tại như là nút thắt kéo theo mức giảm của tăng trưởng chung trong khi các ngành công nghiệp còn lại chưa có nhiều bứt phá. 
 
Về kiểm soát lạm phát, sức ép lạm phát đang gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới. Trong nước, giá cả một số hàng hóa và dịch vụ cơ bản (giá xăng, lương thực thực phẩm, giá dịch vụ y tế, giáo dục) đều được điều chỉnh tăng, bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá và lãi suất có thể đẩy nguy cơ tăng giá. Theo đó, CPI bình quân được dự báo ở mức khoảng 4,7% trong quý II.
 
Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, mặc dù, các nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong quyết định đầu tư sau khi Mỹ tuyên bố không thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư nhờ 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, trong đó, không chỉ là đầu tư mới, mà cả mở rộng các dự án đầu tư sẵn có.
 
Thêm vào đó, các nhà đầu tư trên thế giới vẫn đánh giá Việt Nam tiếp tục là một địa điểm đầu tư hấp dẫn nhờ có nhiều yếu tố tích cực như cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nỗ lực của chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Dự báo FDI giải ngân Quý II đạt gần 4 tỷ USD và cả năm 2017 đạt khoảng 16 tỷ USD.
 
Để tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu.
 
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Có biện pháp để quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, nhất là tín dụng đối với đầu tư bất động sản. Đặc biệt, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi thường xuyên, để giảm bội chi ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ….
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc