(VnMedia) - Nếu muốn trải nghiệm văn hóa Tàu, xem cách sống của người Hoa ngoài đời thực và “sống chậm” hãy thử một lần. Chắc chắn rằng những trải nghiệm này sẽ khác hẳn phim ảnh hay việc check in cùng các tour du lịch lữ hành thương mại.
Trải nghiệm phố Tàu ở Việt Nam là điều không khó dẫu bạn đang ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam. Là dân tộc có văn hóa lâu đời, dân cư lại đông đúc, nên cộng đồng 2 tỉ dân Trung Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các đô thị lớn tại khu vực Đông Nam Á. Với quan niệm ‘buôn có bạn, bán có phường’, nên cư dân Tàu thường tập trung thành nhóm, thành khối phố và hình thành nên những khu phố có nét bản sắc riêng. Khi bước chân vào những nơi định cư của các thương nhân Hoa kiều, du khách thường tưởng mình đang lạc vào những khối phố của thế kỷ trước. Thời gian như dừng bước trên vỉa hè, trên những tán cây và cả khung trời nho nhỏ nơi đây.
Người Hoa rất thích sinh hoạt cộng đồng. Thông thường, trong những ngày lễ lớn hoặc những dịp cần có công bố chung, các khối cư dân sẽ tập trung ở các “hội quán” giống như đình làng của Việt Nam vậy. Hội quán của người Hoa đa phần có khuôn viên rộng rãi và có trang trí đặc sắc của người Tàu. Thiết kế gian giữa rất rộng để thờ tự và 2 chái thông thoáng để họp hành và làm các công tác hậu cần khác.
Là dân tộc yêu kinh doanh, nên mặt phố Tàu sẽ liền sát các sạp hàng và buôn bán theo hệ thống. Ví dụ khu phố Hải Thượng Lãn Ông là kinh doanh thuốc và dược phẩm, phố Lão Tử thì bán sách và các loại đèn dùng cho trang trí Chùa, Miếu hay các dịp lễ cúng…Đèn trang trí trên phố Lão Tử.
Tuy yêu thích việc kinh doanh, nhưng người Hoa rất biết tận hưởng cuộc sống. Mặt trước dành riêng cho kinh doanh thì náo nhiệt, nhưng mặt sau nhà, thường các khuôn viên lại rất bình lặng, với nhiều cây xanh mát mắt đi cùng tiểu cảnh, phục vụ việc “sống chậm” và tái tạo vitamin tâm hồn. Trong ảnh là hậu viên phố Tàu.
Tới các phố Tàu, điểm nổi bật nhất là các khu thờ tự. Theo văn hóa Thần truyền, nên người Hoa tôn thờ các vị Thánh. Đa phần các khối phố của người Hoa đều dựng miếu thờ bà Thiên Hậu (Tây Vương Mẫu) và Quan Thánh (Quan Công). Đạo Phật du nhập vào Trung Hoa từ rất sớm, nên những ngôi Miếu dù thờ Ông và thờ Bà, vẫn có riêng các gian thờ trang trọng thờ Phật.
Quan Công nổi tiếng trong lịch sử là vị quan Văn Võ song toàn, tiết nghĩa bậc nhất, vậy nên được người Hoa kính vọng khắp trong mọi đền thờ. Nên nói đến phố Tàu, thường mọi người hình dung đến Chùa hoặc Miếu Quan Công. Trong ảnh là tiền đường rộng rãi của chùa Ông.
Chùa Ông, một tên gọi kính trọng của Quan Công, dù ở địa danh nào cũng luôn được thương nhân Tàu cúng dường rộng rãi và được xây dựng theo cách trang trọng và giàu đặc trưng văn hóa nhất. Nếu muốn kiểm tra xem khu cư dân Hoa đang giàu có mức nào, chỉ cần bước chân vào Chùa là có thể nhận biết ngay. Phóng viên đang ở một khu đô thị sầm uất bậc nhất của đất nước, nên từng chi tiết của ngôi Chùa đều được xây dựng, chế tác và chạm khắc ở mức độ tỉ mỉ và xa xỉ bậc nhất. Trong ảnh là hoành phi và cửa võng của chùa Ông Sài Gòn.
Chuông trong nội tự tại chùa Ông Sài Gòn
Bước chân vào phố Tàu, nếu bỏ qua những biển hiệu nhấp nháy và xe cộ đang chạy trên phố - và có thể bỏ qua vì người Hoa thích đi bộ - khách bộ hành cảm giác mình đang check in vào thế kỷ trước. Hành lang của các tòa nhà đều trang trí kiểu cổ, từ gạch lát, tranh treo, giấy viết cũng như nhịp sống nơi đây
Đôi lúc, khách bộ hành có thể gặp những đoàn múa Lân - Sư - Rồng đang tổng duyệt hoặc diễn thật trên phố. Người Hoa luôn tin rằng, nếu có đoàn Lân - Sư - Rồng diễn trong các dịp lễ trọng, thì phú quý sẽ đến nhà, gia tộc thái hòa và cuộc sống sẽ no đủ. Ảnh đoàn Lân - Sư - Rồng kính bái Bà Thiên Hậu trước giờ diễn.
Người Tàu thích xem bói, từ bói quẻ, bói bài, bói Tử vi - Tử bình hay Kinh Dịch. Khắp ngõ phố, nếu cần xem bói, có thể hỏi han các thầy bói và họ sẵn sàng trả lời các câu hỏi thông kim cổ và bàn chuyện thế sự với người xem. Đôi lúc, chỉ là để người xem bói được trút phiền não và ra về với một tâm trạng tích cực hơn. Trong ảnh là thầy bói Kinh Dịch.
Phương Nguyên
Ý kiến bạn đọc