(VnMedia) - Đó từng là những thị trấn, nhà ga hay khách sạn nổi tiếng ở Anh, Pháp, Mỹ... nhưng vì nhiều lý do, tất cả đã bị rơi vào quên lãng. Ngày nay, những nơi này trở thành địa điểm thu hút khách du lịch của địa phương.
Nhà ga City Hall, New York, Mỹ
Được khánh thành vào năm 1904, nhà ga City Hall khi đó được đánh giá là một trong những công trình ấn tượng ở New York với những bức tường nhiều màu sắc, mái vòm trang trí theo phong cách Roman.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nhà ga này đã bộc lộ nhược điểm, đó là có khúc cua quá gắt và hẹp khiến các đoàn tàu chở khách không thể dừng đỗ nơi đây. Từ năm 1945 tới nay, hoạt động vận chuyển hành khách của nhà ga chính thức bị “khai tử”.
Làng Oradour-sur-Glane, Pháp
Vào ngày 10/6/1944, ngôi làng xinh đẹp -Oradour-sur-Glane – ở miền trung nước Pháp đã bị phát xít Đức tàn phá. 642 công dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đều bị chúng sát hại.
Tên sỹ quan Adolf Diekmann khi đó nhận được lệnh của cấp trên phải bắt giữ 30 công dân của ngôi làng làm con tin, để đổi lấy sự tự do cho một sỹ quan khác bị lực lượng nổi dậy bắt giữ. Thế nhưng, Adolf Diekmann lại chọn cách bắt người dân đứng thành vòng tròn và xả súng giết hại.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Tổng thống Pháp De Gaulle quyết định giữ nguyên hiện trạng ngôi làng làm nơi tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại.
Đường hầm Clapham, North Anh
Trong thế chiến thứ 2, nước Anh liên tục bị phát xít Đức ném bom tấn công. Chính phủ Anh lúc đó quyết định cho xây dựng một hệ thống hầm ngầm dưới lòng thủ đô London.
Nơi đây có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho khoảng 8.000 người với đầy đủ các trang thiết bị tối thiểu như căng tin, chỗ ngủ, nhà vệ sinh và thuốc men. Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây được sử dụng làm nhà kho và thậm chí là nhà nghỉ bình dân. Kể từ năm 2012, Clapham North hoàn toàn bị bỏ trống và sau đó được tận dụng làm các khu vườn trồng thảo dược và rau.
Ngọn hải đăng Rubjerg Knude, Đan Mạch
Hải đăng Rubjerg Knude được xây dựng trên một mỏm núi cao từ năm 1900 và sau đó không còn được sử dụng từ năm 1968. Nguyên nhân là do bờ biển bị sói mòn và hiện tượng cát sụt lún nghiêm trọng không đảm bảo an toàn cho nơi này.
Theo tính toán của các nhà địa chất, tới năm 2023, toàn bộ ngọn hải đăng này sẽ nằm trọn vẹn dưới mực nước biển!
Khách sạn Hoàng gia Hachijo, Nhật Bản
Hachijo được xây dựng năm 1963 và một thời là niềm tự hào của khu vực Hachijojima vốn là hòn đảo núi lửa cách Tokyo hơn 200km về phía nam. Nơi đây còn được ví von là Hawaii của đất nước mặt trời mọc.
Sau 40 năm hoạt động, khách sạn dần vắng khách, sau đó phải đóng cửa vào năm 2003 và bị bỏ hoang cho tới nay.
Thủ đô duy nhất bị bỏ hoang
Plymouth là thủ đô của Montserrat, một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trên biển Caribe, còn được biết tới với biệt danh “thủ đô ma”.
Vào tháng 7/1995, ngọn núi lửa Soufrière Hills bất ngờ phun trào liên tục khiến 2/3 dân cư nơi đây phải bỏ xứ ra đi. Gần như toàn bộ Plymouth bị chôn vùi dưới lớp than bụi dày và đất đá.
Thị trấn vàng Bodie, Mỹ
Vào thế kỷ 19, một người đàn ông có tên là Waterman Body tình cờ tìm thấy vàng ở thị trấn Bodie, hạt Mono, bang California. Ngay sau đó, làn sóng người tìm vàng đổ về đây ngày một đông. Vào lúc cao điểm ước tính có tới 10.000 người tới đây làm việc và cư trú.
Thế nhưng mọi chuyện hoàn toàn thay đổi sau một đợt hỏa hoạn thiêu rụi gần như toàn bộ các ngôi nhà, hầm mỏ. Năm 1913, khu mỏ ở đây bị đóng cửa và 4 năm sau hệ thống đường sắt tới Bodie cũng bị bỏ hoang. Tới năm 1940, dân số nơi đây chỉ còn lại 40 người.
Ngày nay, thị trấn bỏ hoang Bodie được chính quyền California gìn giữ và trở thành địa điểm hút khách du lịch.
Nhà hát Orpheum, Massachusetts
Nhà hát này từng thuộc về một người chủ người Pháp và sau đó được cho thuê để làm nơi biểu diễn xiếc, chiếu phim. Tới năm 1962, nhà hát bị đem bán và thậm chí trở thành nhà kho của một công ty thuốc lá. Mặt sau của nhà hát hiện nay được tận dụng làm siêu thị.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi một công trình kiến trúc đẹp như vậy bị bỏ phí.
Nhà ga Estacion Canfranc, Tây Ban Nha
Ra đời năm 1928 tại Tây Ban Nha, Estacion Canfranc từng là một trong ba nhà ga lớn nhất châu Âu và nằm trên tuyến đường sắt kết nối Tây Ban Nha với Pháp.
Một sự cố nghiêm trọng xảy ra năm 1970 khi chiếc cầu đường sắt bên lãnh thổ Pháp bị sập khiến tuyến đường này bị ngưng trệ và sau đó không được xây dựng lại. Toàn bộ nhà ga gần như bỏ hoang, các đoàn tàu cũ rỉ sét nằm lăn lóc.
Hiện tại chỉ còn 2 đoàn tàu địa phương vẫn duy trì hoạt động mỗi ngày nhưng rất vắng khách và chỉ di chuyển bên lãnh thổ Tây Ban Nha.
Minh Quang (Guardian)
Ý kiến bạn đọc