Rượu "quốc lủi" đang thất thế

08:05, 07/01/2016
|

(VnMedia)- Các loại rượu người dân tự nấu thủ công, còn gọi là “quốc lủi”, đang có xu hướng giảm dần để nhường chỗ cho rượu công nghiệp an toàn hơn. Nhà nước khuyến khích người dân nấu rượu bán cho các doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp.

Đó là thông tin được ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết tại một cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội.

Rượu “quốc lủi” – một thủ phạm của lạm dụng rượu

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia nước giải khát Việt Nam, với khoảng hơn 200 triệu lít mỗi năm, rượu thủ công đang là một trong những thủ phạm chính gây ra tình trạng lạm dụng rượu tại Việt Nam, dẫn đến những hậu quả khôn lường cả về sức khỏe và ảnh hưởng tới xã hội.

Ông Việt cho biết, Việt Nam chưa phải là nước có mức tiêu thụ rượu bia cao so với các nước trên thế giới nhưng tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn gây nhức nhối trong xã hội như: Lái xe sử dụng rượu, bia; trẻ vị thành niên; bạo lực gia đình; ảnh hưởng sức khỏe…“Nhức nhối nhất là ở sản phẩm rượu "quốc lủi", rượu sản xuất thủ công không theo quy trình chất lượng nào mà cho đến nay chúng ta không hạn chế nổi”-ông Việt nói.

Sản xuất rượu thủ công
Sản xuất rượu thủ công

Chia sẻ về vấn đề này trước đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, uống rượu bia có mức độ vẫn tốt cho sức khỏe nhưng uống nhiều sẽ hại gan, gây bệnh xơ gan. Chưa kể, mỗi năm có tới 1 vạn người chết vì tai nạn giao thông, hầu hét các lái xe gây tai nạn đều vi phạm về nồng độ cồn. “Chúng ta làm gì cũng phải khoa học: Ăn uống khoa học, lạm dụng gì đều là không tốt. Các cụ xưa chỉ uống rượu bằng chén hạt mít, uống từng ít một, còn ngày nay chúng ta uống cả cốc to, uống 100%, gây ra say xỉn và biết bao hệ lụy”-GS.Dũng nói.

Rượu công nghiệp thay thế rượu thủ công

Theo ông Phan Chí Dũng, rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Nhà nước không cấm nhưng kiểm soát từ sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Ông Dũng chia sẻ, khi Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý rượu đầu tiên, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 400 triệu lít rượu, trong đó rượu tự nấu trong dân khoảng 330 triệu lít, rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít. Tuy nhiên, hiện nay dù lượng rượu tiêu thụ cũng ở mức gần tương đương nhưng lượng rượu công nghiệp đã tăng lên khoảng 187-200 triệu lít, trong khi rượu dân tự nấu giảm xuống khoảng 230 triệu lít.

“Như vậy chính sách của chúng ta đã đi vào cuộc sống và rượu thủ công đang dần dần được thay thế bằng rượu công nghiệp” – ông Dũng nói.

Đóng góp không nhỏ vào xu hướng này, theo ông Dũng, là bản thân nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp mạnh tay đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Rượu sản xuất công nghiệp đang dần thay thế rượu thủ công. (trong ảnh: dây chuyền sản xuất trị giá 50 triệu USD của Halico)
Rượu sản xuất công nghiệp đang dần thay thế rượu thủ công. (trong ảnh: dây chuyền sản xuất trị giá 50 triệu USD của Halico)

Chia sẻ một ví dụ cụ thể về đầu tư vào công nghệ mới, ông Mai Văn Lợi, Giám đốc của Công ty  cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), cho biết, công ty này đã đầu tư hơn 50 triệu USD vào công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống chưng cất 8 tháp đa áp suất, hệ thống lọc bạc 29 cột để tạo ra sản phẩm tinh khiết, chất lượng cao, loại bỏ hoàn toàn các độc tố có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Mới đây, Halico đã tung ra các sản phẩm mới là Vodka 94 Lò Đúc và Vodka Hà Nội mới đều là những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất, cả về chất lượng rượu cũng như công nghệ chống hàng giả mới nhất.

Tăng thuế, khuyến khích dân bán rượu cho doanh nghiệp

Chia sẻ về chiến lược và quy hoạch phát triển ngành rượu trong thời gian tới, ông Phan Chí Dũng cho biết, Nhà nước tiếp tục khuyến khích rượu công nghiệp thay thế rượu thủ công, đồng thời tiếp tục ban hành hàng loạt chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia, uống có văn hóa và đảm bảo sức khỏe hơn. Về thuế đối với rượu, ông Dũng cho biết Nhà nước xe xem xét điều chỉnh tăng thuế để người uống tiết giảm việc uống rượu, tránh việc lạm dụng gây hậu quả xấu về sức khỏe cho cá nhân và ảnh hưởng đến an toàn và các hậu quả xã hội.

Về việc nấu rượu thủ công như một thực tế đang diễn ra phổ biến tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ông Dũng cho hay, rượu thủ công liên quan quan đến cuộc sống của nhiều người dân, không chỉ họ nấu để uống mà chủ yếu để bán và phục vụ chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập cho cuộc sống hàng ngày của họ. Vì thế, Nhà nước khuyến khích những hộ dân này bán rượu cho các cơ sở đủ tiêu chuẩn như các nhà máy rượu để chế biến thành những loại rượu có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người sử dụng.


Ý kiến bạn đọc