Đại biểu “truy” vấn đề nước sạch Hà Nội

13:38, 07/07/2015
|

(VnMedia) - Chất vấn về việc thực hiện kết luận tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội kỳ trước, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nước sạch. Các câu hỏi về vấn đề này được đại biểu tái chất vấn nhiều lần...
 
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, nước sạch là vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cử tri tại 13 quận, huyện. Bà Thùy đặt câu hỏi: "Hiện nay, Thành phố có 44 dự án nước sạch, vậy cho đến nay có bao nhiêu dự án đã hoạt động và cung cấp nước sạch cho người dân, đạt tỷ lệ bao nhiêu % công suất thiết kế? Có bao nhiêu dự án tiếp tục được hoạt động và còn bao nhiêu dự án bị dừng? Có bao nhiêu dự án có nguồn gốc ban đầu từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác chưa được định giá và bàn giao cho doanh nghiệp theo cơ chế của UBND Thành phố: Giá nước sạch xã hội hóa có phù hợp với thu nhập của người dân hay không và Thành phố có trợ giá cho khu vực này không?"

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy chất vấn tại phiên họp sáng 7/7


 
Tiếp theo đại biểu Thùy, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) cũng đề nghị Thành phố làm rõ: Theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn của Thành phố được phê duyệt thì đến hết năm 2015 phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn được thụ hưởng nước sạch. “Với một loạt hạn chế và những vấn đề trong triển khai, UBND đánh giá chúng ta có hoàn thành được chỉ tiêu này không? Nếu không hoàn thành thì nguyên nhân chủ yếu vướng mắc là do đâu? Do cơ chế chính sách hay do thực hiện? Giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu này là gì?”
 
Trả lời các chất vấn về vấn đề trên, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thừa nhận, đến năm 2014 mới đạt 36,68%, và năm 2015 đạt phần còn lại là khó. Theo ông Việt, thời điểm hiện tại có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó có 81 trạm đang hoạt động, cung cấp cho 286.000 - 300.000 người. Còn 25 trạm thì có 10 trạm đã xuống cấp không hoạt động và 4 trạm dở dang. 11 trạm được đầu tư từ lâu và cũng đã hư hỏng.
 
Về 6 trạm mới được đầu tư liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và sẽ dùng ngân sách nhà nước, nhưng mới chỉ có tiền hoàn thành chuẩn bị đầu tư, còn nguồn vốn thì hai năm vừa qua chưa bố trí được. Hiện nay, Thành phố đã có thông báo và một số công ty đã đăng ký sẽ tiếp nhận để đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ được bố trí 31 triệu đô la từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để đầu tư vào 7 dự án, trong đó 3 dự án đã khởi công, sẽ cấp nước trong năm 2015. 
 
Ông Việt cũng cho biết, với những vùng đặc biệt khó khăn và ô nhiễm nước nghiêm trọng, năm 2012 Thành phố đã bố trí phê duyệt thực hiện 40.000 bể lọc, nhưng cho đến nay mới thực hiện được 10 bể lọc, 30 bể còn lại thì 2 năm nay không thực hiện được vì chưa có vốn (khoảng 4,5 triệu/bể/hộ chính sách)
 
Tái chất vấn về vấn đề nước sạch, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo từ và các tỉnh bạn đã triển khai, đạt hiệu quả tốt, chỉ tiêu đạt cao hơn Hà Nội. “Vậy có nguyên nhân chủ quan không trong tổ chức thực hiện không, đặc biệt là việc sử dụng vốn vay ODA cho 7 dự án? Tôi đề nghị nếu có nguyên nhân chủ quan thì phải chỉ rõ địa chỉ để tìm giải pháp khắc phục, đại biểu tổ Hà Đông kiên quyết.
 
Thành lập Ban quản trị nhà chung cư: Không thể đổ lỗi cho dân  

Là người đã từng chất vấn về việc quản lý chung cư trong Kỳ họp trước, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế cho rằng, báo cáo của UBND Thành phố mới chỉ nêu được số liệu nhưng chưa nêu được nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm của Thành phố, đặc biệt là chất lượng sống của người dân tại các khu chung cư tái định cư cũng như vấn đề thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
 
“Chúng ta đổ lỗi cho người dân là không muốn thành lập, nhưng việc quản lý vận hành nhà chung cư phải chuyên nghiệp, dứt khoát là phải có các cơ quan chuyên nghiệp. Phí bảo trì ai đang quản lý cũng không thấy nói” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam chỉ ra và yêu cầu nêu rõ trách nhiệm của UBND Thành phố.
 
Về vấn đề quản lý nhà chung cư, ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc quản lý nhà chung cư, đặc biệt là nhà chung cư thương mại đã đạt những kết quả “đáng phấn khởi”. Theo đó, hiện tại có 272 nhà chung cư (38%) đã thành lập được Ban quản trị nhà chung cư. Với nhà chung cư tái định cư, ông Tuấn cho rằng có nhiều khó khăn. “Theo luật, với những nhà chung cư chưa thành lập Ban Quản trị thì đương nhiên việc quản lý thuộc về Chủ đầu tư. Với 151 tòa nhà chung cư tái định cư thì phần lớn giao cho Công ty phát triển nhà Hà Nội quản lý, với giá phí quản lý rất thấp.
 
Ông Tuấn cũng cho rằng, nhiều người dân không mặn mà với việc thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, trong khi một số chủ đầu tư cũng không quyết liệt với việc này.
 
“Khi Luật Nhà ở có hiệu lực UBND Thành phố đã chỉ đạo sở Xây dựng và Sở cũng đã có văn bản để Thành phố báo cáo Thủ tướng, báo cáo Bộ Xây dựng để tới đây, nếu hội nghị giữa Chủ đầu tư và người dân không đạt thì sẽ giao cho UBND xã, phường tổ chức hội nghị để đạt kết quả cao hơn” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc