Giật mình 71 vụ oan sai nghiêm trọng

13:48, 02/06/2015
|

(VnMedia) - Trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng... - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét...

Làm oan nhiều người vô tội

Theo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của UBTVQH, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Giám sát cho thấy, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm qua có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; có một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…

Ngoài các trường hợp bị oan nêu trên, qua giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội.

Chẳng hạn như vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về “Tội không chấp hành bản án” là sai, có dấu hiệu làm oan, vì bản án dân sự có hiệu lực pháp luật có những sai lầm, trong đó có nội dung buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái với Luật đất đai nên ông Đề không thể thi hành bản án đó (trách nhiệm này thuộc Ủy ban nhân dân huyện Chơn Thành). Vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm nhưng sau đó vẫn bị khởi tố về “Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là sai, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý 2 lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

“Trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.” – Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Ảnh minh họa

Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan


Trong khi phần lớn các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, nhưng có một số địa phương lại để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắc (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh một người.

Qua giám sát cho thấy, trong một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.

Điển hình như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước phải xét xử 7 lần, gần 10 năm mới kết thúc; quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án này đã cơ bản khắc phục được những thiếu sót, vi phạm; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp luật kết án Lê Bá Mai tù chung thân về các tội “hiếp dâm trẻ em, giết người”, đến nay chưa có căn cứ kết luận Lê Bá Mai bị oan.

Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội “giết người, cướp tài sản”, trước thời điểm thi hành án tử hình thì có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải. Theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của Đoàn giám sát, liên ngành VKSNDTC, TANDTC và Bộ Công an đã tiến hành xem xét vụ án này và đến nay có kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là “có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” .

Nhiều vi phạm, thiếu sót nghiêm trọng

Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường; kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án. Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) cùng 2 đồng phạm khác phạm các tội “giết người, cướp tài sản”, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã kết án Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng tù chung thân, Vũ Toàn Trung 23 năm tù. Trong vụ án này, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu xác định lại vai trò của Chưởng và các bị cáo khác trong tội giết người là có căn cứ nhưng Hội đồng Thẩm phán TANDTC không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm là không đúng với tính chất, hành vi của các bị cáo Chưởng, Hoàng, Trung trong tội giết người.

Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về các tội “giết người, cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về các tội “hiếp dâm trẻ em, giết người”, vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án 06 năm tù về tội “Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.

Bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội, trong kỳ giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật.

Theo đó, việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm còn bất cập, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam chưa chính xác sau đó phải chuyển xử lý hành chính; số bị can về tội ít nghiêm trọng bị tạm giam còn nhiều, có biểu hiện lạm dụng. Để xảy ra một số vụ dùng nhục hình, có trường hợp dẫn đến chết người gây bức xúc dư luận. Một số trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố thiếu căn cứ; nhiều vụ quá hạn luật định, trong đó 10 vụ đã kéo dài trên 5 năm đến nay chưa giải quyết xong, cá biệt ở Bình Phước có vụ trên 12 năm.

UBTVQH nhận xét, việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án theo Điều 25 BLHS, khoản 2 Điều 107 BLTTHS còn nhiều trường hợp chưa chính xác, có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm. Việc truy tố, xét xử còn có những trường hợp sai tội danh, sai khung hình phạt; sai các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, quyết định hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo; có nơi TA áp dụng hình phạt quá nặng đối với người phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; ngược lại, có những trường hợp lại tuyên hình phạt quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Bên cạnh những sai lầm, vi phạm nghiêm trọng trên, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều vi phạm khác trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự như biên bản điều tra bị tẩy xóa, thiếu thành phần tham gia tố tụng, việc kê biên tài sản, xử lý vật chứng chưa đúng quy định... dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo về tư pháp diễn biến phức tạp, có những trường hợp gay gắt, kéo dài.

Phần lớn các sai lầm trong việc áp dụng pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp do có khiếu nại gay gắt, sau đó báo chí, dư luận phản ánh thì cơ quan có trách nhiệm mới xem xét, xử lý. Nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp oan, sai chủ yếu thuộc về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng (trình độ, năng lực yếu kém, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp hạn chế).

Ngoài ra, 3 năm qua, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan vào khoảng trên 30 tỷ đồng, nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm. Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) yêu cầu bồi thường hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) yêu cầu bồi thường trên 22 tỷ đồng và kéo dài 09 năm đến nay chưa giải quyết xong.

"Tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan đã gây nên việc làm oan nhưng cũng có nguyên nhân do một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa thật hợp lý như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường; các giấy tờ, tài liệu làm căn cứ xác định bồi thường và thủ tục cấp kinh phí bồi thường còn phức tạp, chưa hợp lý." - UBTVQH nhận định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc