Bộ trưởng Thăng: "Không phải đầu tư Long Thành thì bỏ cái khác"

07:05, 02/06/2015
|

(VnMedia) - Khi đầu tư sân bay Long Thành, nhiệm vụ số 1 là giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Riêng về nợ công thì theo đánh giá của Bộ Tài chính, có tác động tới nợ công nhưng không đáng kể - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết khi trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đinh La Thăng

 
Thưa Bộ trưởng, trong chiến lược phát triển giao thông, vẫn còn nhiều phương thức cần đầu tư, nâng cấp, vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại dự án sân bay Long Thành sẽ chiếm quá nhiều nguồn lực. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?
 
Phát triển từng vùng cũng phải gắn với giao thông vận tải. Trong chiến lược giao thông vận tải có chiến lược và quy hoạch từng lĩnh vực khác nhau như đường sắt, đường bộ, đường không, đường thủy. Trình tự đầu tư cũng theo quy hoạch để đăng ký, chứ không phải đầu tư Long Thành thì bỏ cái khác.
 
 Ngay hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị và Thủ tướng mới phê duyệt chiến lược đường sắt, điều chỉnh tiếp quy hoạch đường sắt thì lúc đó phải làm chiến lược đường sắt theo nguồn vốn 35, phải cân đối đồng thời chứ không phải vì Long Thành mà dừng hết cái khác.
 
Đất nước chúng ta trải dài, đường bộ thường hiệu quả chỉ khoảng 300 km, đường sắt ít nhất là 95 km, đường không thì đương nhiên không hạn chế và chỉ căn cứ vào nguồn lực, hiệu quả của từng phương thức đầu tư phù hợp. Nhưng điều quan trọng là phải gắn kết được các phương thức với nhau.
 
-   Mục tiêu lớn nhất của việc xây sân bay Long Thành là gì, thưa Bộ trưởng?
 
Nhiệm vụ số 1 khi đầu tư Long Thành  là giảm tải cho Tân Sơn Nhất, bởi tính đến 2025 là đã quá tải, phải đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Long Thành với công suất được 25 triệu lượt khách, giai đoạn 2 nâng lên 50 triệu lượt khách cũng vẫn chỉ là để giảm tải cho Tân Sơn Nhất là chính. Còn lại tùy thuộc vào tình hình kinh tế, nó có thể tiếp tục đảm nhiệm thêm nhiệm vụ là cảng hàng không trung chuyển quốc tế.
 
Nhưng để trở thành cảng hàng không trung chuyển thì phải đáp ứng theo phát triển kinh tế chung của cả nước, trong đó có chính sách phát triển kinh tế từng vùng như giảm visa, chính sách kinh tế… Để trở thành cảng hàng không trung chuyển cần phải có rất nhiều điều kiện chứ không thuần túy là vị trí đắc địa, cảng hiện đại, dân số... Tại sao Singapore có 5 triệu dân mà sân bay họ trở thành cảng trung chuyển quốc tế được? trong khi ngay bản thân mình đã là 90 triệu dân rồi, lúc đó là hơn 100 triệu dân rồi?
 
-   Bộ trưởng nói sao khi nhiều ý kiến lo ngại việc đầu tư cho sân bay Long Thành có thể làm tăng nợ công, vốn đang rất căng thẳng?
 
Riêng về nợ công thì bộ tài chính đã đánh giá rồi, tối đa là 0,28%, nhỏ là 0,22%.  Việc xây sân bay Long Thành có tác động tới nợ công nhưng không đáng kể.
 
-  Xin hỏi Bộ trưởng một câu hỏi không liên quan đến Long Thành. Có phải hôm trước ở họp báo Chính phủ, Bộ trưởng có nói về việc đặt trạm thu phí BOT không đúng quy định?

Tôi chưa bao giờ nói không đúng cả. Trong quy định khoảng cách là 70km, còn nếu không đủ 70km thì phải như thế nào, phải thỏa thuận với UBND địa phương trước khi quyết định. Việc đặt một số trạm không đủ km không phải là sai, mà nó có lý do.
 
Theo đó, có một loại là nếu đặt đúng 70km thì vào giữa thành phố, giữa khu dân cư thì địa phương đồng ý lùi ra một tý. Về tổng thể thì nó vẫn thế, nhưng nếu đẩy ra ngoài nội đô thì nó chỉ còn khoảng cách là 60 – 65km. Loại thứ 2 là đầu tư một cục thì không đủ, ví như đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long chỉ có 25km thì lấy đâu ra 70km, trong khi vẫn phải đầu tư.
 
Theo Bộ trưởng, mật đô trạm thu phí hiện nay có dày quá không?
 
Thứ nhất, đường cao tốc không phụ thuộc vào trạm thu phí, anh đi bao nhiêu km tính bấy nhiêu nên trên đường cao tốc không tính theo 70km. Thứ 2, những con  đường độc đạo thì 70km là phù hợp. Bây giờ Chính phủ đang cho làm thu phí không dừng, tức là tự động thì sẽ rất nhanh, không ảnh hưởng gì cả.
 
Đối với trạm Bắc Thăng Long thì sao, thưa Bộ trưởng?
 
Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài Bộ đã nhiều lần đề nghị,Thành phố cũng nhiều lần đề nghị, nhưng đây là vấn đề lịch sử. do mình thay đổi chính sách. Trước đây mời gọi nhà đầu tư đầu tư, bây giờ không chỉ vì thay dổi chính sách mà dẹp nhà đầu tư là không được, phải có đàm phán. Có đàm phán thì phải có thỏa thuận cả 2 bên.
 
Đúng là trạm Bắc Thăng Long Nội Bài là bất hợp lý, nhưng bây giờ đàm phán với nhà đầu tư thì phải có tiền để mua lại, chứ không phải mua lại được ngay. Việc đầu tư này từ những năm 2000, bây giờ do mình thay đổi chính sách mà lại dẹp người ta đi thì không được. Đây là lịch sử để lại, phải chấp nhận. Trong thời gian chuyển giai đoạn, thay đổi chính sách cho tiên tiến hơn thì phải có thời gian để xử lý những cái cũ, như vậy mới thỏa đáng.
 
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Xuân Hưng - (ghi)

Ý kiến bạn đọc