Cần quy định “cứng” số lượng cấp phó ở cơ quan nhà nước

16:20, 01/06/2015
|

(VnMedia) - Sáng nay (1/6), thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Chính phủ, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các cơ quan nhà nước và không nên có ngoại lệ.

>> Cải cách thủ tục hành chính: Cần giảm cấp phó

Sáng nay (1/6), thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Chính phủ, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các cơ quan nhà nước và không nên có ngoại lệ.

Theo đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội), nên quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các Bộ, cơ quan nang Bộ bởi Bộ trưởng giỏi thì không cần nhiều thứ trưởng. “Bộ nào cũng quan trọng, đối ngoại, đối nội, kinh tế, kế hoạch đều quan trọng, tôi nghĩ rằng điều này nên quy định cứng. Luật không quy định cứng nên rất khó, lại xuất hiện vấn đề tờ trình, thuyết minh, xin, cho, tôi nghĩ không nên như vậy. Vấn đề cấp phó nên quy định cứng.” – đại biểu Bùi Thị An đề nghị.

Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), việc vì họp quá nhiều cho nên cần có cấp Phó đi họp là không ổn. Theo đại biểu, phó là giúp việc cho trưởng, chứ không phải cứ thiết kế nhiều phó vào để trách nhiệm của ông trưởng hạn chế. Đồng tình với quy định trong Dự thảo, nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền không đồng tình với việc quy định có ngoại lệ.

“Mặc dù chúng ta đã đưa ra một nguyên tắc cứng tức là các bộ không quá 5, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an không quá 6. Nhưng bên dưới lại thòng một câu là "trường hợp đặc biệt, sáp nhập các cơ quan ngang bộ. Yêu cầu điều động của cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tăng số lượng thứ trưởng, phó của các cơ quan ngang bộ". Tôi cho rằng chúng ta vừa đưa ra nguyên tắc cứng, đã là có ý đồ đưa ra nguyên tắc mềm ở dưới để mình thêm. Thế thì làm sao được?.” – đại biểu Bá Thuyền nói.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì nếu muốn thiết kế mềm thì cũng phải thiết kế dự phòng luôn trong luật. “Còn nếu chúng ta quyết định để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cao hơn Quốc hội, lại quyết định thêm cấp phó nữa thì không hợp lý.”- đại biểu tỉnh Lâm Đồng phân tích.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, không nên quy định cho phép có trường hợp trình Thường vụ Quốc hội tăng cấp phó.

Ảnh minh họa

Đại biểu Lê Đình Khanh


 
 Trong khi đó, Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nhấn mạnh: “Mọi quy định trong luật phải rõ ràng minh bạch, hạn chế tối đa những quy định mở, dễ dẫn đến vận dụng theo kiểu a cũng đúng và ngược lại b cũng không sai.”

Dẫn chứng ngay cả những quy định “rất đúng”, nhưng nếu cấp trên làm không chuẩn, thì sẽ dẫn đến “sai một ly đi một dặm.”

“Tôi được biết quy định mỗi sở không quá 3 Phó giám đốc. Ủy ban tỉnh cũng ra quyết định hàng chục năm trước quy định về việc chức năng, nhiệm vụ của một sở thì không quá 3 phó giám đốc, nhưng đến thời điểm này họ lại sửa lại cũng vẫn là không quá 3 Phó giám đốc như văn bản thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn. Nhưng hiện thời là 4, sau đó lại thêm một nữa là 5. Khi có ý kiến về việc đó thì họ bảo “Trung ương cũng quy định không quá 4 Thứ trưởng, họ có 9 Thứ trưởng có sao đâu? Đây là chuyện thật 100%, nghĩa là luật đúng nhưng cấp dưới làm không nghiêm, hoặc cấp trên sai một tí, cấp dưới đi một dặm ngay. Như vậy, tình trạng nhờn pháp luật sẽ dẫn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa.” – đại biểu Lê Đình Khanh thẳng thắn nói.

Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, cần hạn chế số lượng cấp phó một cách tối đa kể cả với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao.

“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam ta nếu cứ giảm đi 1/3 cấp phó so với quy định trong dự thảo luật trình hôm nay, tôi chắc chắn bộ máy sẽ vận hành tốt hơn, năng lực trình độ của người đứng đầu Bộ, ngang Bộ cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy được cao hơn.” – đại biểu Lê Đình Khanh thẳng thắn nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, muốn việc bổ nhiệm số lượng cấp phó đi vào khuôn khổ, nhưng trong Dự thảo trình Quốc hội lần này lại có trường hợp đặc biệt thì nếu muốn bổ nhiệm thêm, tất cả sẽ “chui” vào trường hợp đặc biệt, bởi vì trường hợp đặc biệt là đều có thể giải quyết được”.

Còn theo đại biểu Danh Út, việc luật hiện hành không quy định “cứng” số cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ tại Điều 38 là một kẽ hở. Tán thành số lượng cấp phó các bộ, cơ quan ngang bộ không quá 5, nhưng đại biểu này đề nghị riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại Giao và Bộ Nông nghiệp thì không quá 6 Thứ trưởng.

Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nêu ý kiến, Văn phòng Chính phủ cũng quy định theo khung chung có 5 Phó Chủ nhiệm Văn phòng, bởi hiện nay Văn phòng Chính phủ đang là "siêu bộ".

“Ngay trong nội bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, chúng tôi xin đề nghị cũng phải cải cách hành chính. Một đồng chí là Chuyên viên Văn phòng Chính phủ còn to hơn cả đồng chí Thứ trưởng, thậm chí còn có vị trí cao hơn cả một đồng chí Ủy viên Trung ương là Bộ trưởng. Bởi vì nếu trình các dự án, các báo cáo được trình Chính phủ hay không là do đồng chí chuyên viên đó phải trình.”  - đại biểu Chu Sơn Hà góp ý.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc