“Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến lợi ích người dân"

15:22, 05/02/2015
|

(VnMedia) - Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang nơi ở mới, toàn bộ không gian tầng 1 được bố trí bán hàng...

>>
Khu giãn dân phố cổ sẽ hiện đại như thế nào?
>> Hà Nội: 1.500 hộ dân rời phố cổ năm 2017
>> Xét xử vụ án lừa đảo gần 200 tỷ tại Dự án giãn dân phố cổ
 
Sáng 5/2, Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai "Đề án giãn dân phố cổ". Cuộc tọa đàm nhằm góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tham gia "Đề án giãn dân phố cổ", góp phần xây dựng đô thị văn minh, gắn với các chiến lược phát triển Thủ đô.
 
VnMedia ghi lại một số câu hỏi người dân đặt ra với ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm.
 
- Trong nhiều năm qua, vấn đề giãn dân phố cổ vẫn gặp nhiều khó khăn, tuy chính sách đúng nhưng dường như người dân chưa cảm nhận được, hay nói chính xác hơn là chưa nhận được những lợi ích thoả đáng. Đa phần những người dân sống tại phố cổ đều làm nghề buôn bán, bao gồm cả việc mưu sinh bằng bán hàng vặt, chính vì vậy họ mong muốn việc di dân, giãn dân phải có quy hoạch và tính đến cả lợi ích kinh tế của những người dân như họ. Tức là câu hỏi về mưu sinh vẫn luôn được đặt ra, vậy với dự án giãn dân lớn sẽ thực hiện trong năm nay, TP nhìn nhận và giải quyết vấn đề này như thế nào?
 
Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn : Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang nơi ở mới, toàn bộ không gian tầng 1 được bố trí bán hàng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân. Trên cơ sở quy định của nhà nước và Hà Nội, sẽ có thêm các giải pháp bổ sung để bảo đảm quyền lợi của người dân.

- Ông Khánh, ở phố Lò Rèn, Quận Hoàn Kiếm, hỏi: Nhà tôi ở cạnh Đình Rèn và đang ở mặt phố thì khi giãn dân, về nơi ở mới, tôi sẽ làm gì, có chỗ buôn bán tiếp không?

Cũng giống nhiều tuyến phố đặc trưng khác, Lò Rèn là một phố nghề. Khi nghiên cứu đề án và các dự án thành phần, một trong các mục tiêu đề ra là đáp ứng công ăn việc làm hậu giãn dân, chứ không phải chỉ là nơi đơn thuần sống.

Với sự tư vấn của các cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước, Quận đã thiết kế khu đô thị mới giãn dân có tính đặc trưng khác biệt, đảm bảo không gian sống bền vững, hiện đại cho các hộ dân, có tầng 1-2 liên kết với không gian các căn hộ phía trên và không gian ngầm phía dưới để phục vụ cho mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Ví dụ, như hộ của bác nếu không thuộc ranh giới di tích đình thì sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi tốt nhất bên khu đô thị mới. Mời bác tiếp tục gặp gỡ các cán bộ của Quận, phường để có thêm thông tin đầy đủ về trường hợp của gia đình mình.

  Ảnh minh họa

  Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn.

- Chúng tôi hiện đang sinh sống ở Đức và Sidney, sinh ra ở Hà Nội, học ở nước ngoài. Theo tôi việc di dời đối với cư dân phố cổ Hà Nội là hợp lý, đặc biệt là những khu di tích lịch sử, trường học. Tuy nhiên, việc bảo tồn, trùng tu di tích sẽ diễn ra thế nào?
 
Khi tiến hành thực hiện dự án này, các vấn đề mà người dân thắc mắc chúng tôi đã lên phương án. Với các hộ dân ở khu di tích, trường học, công sở, đặc biệt là trong các di tích lịch sử, thời gian qua, cùng với triển khai đề án giãn dân, chúng tôi vẫn đang tiến hành di dân giải phóng mặt bằng đề trùng tu, tôn tạo di tích như đình Kim Ngân ở Hàng Bạc..

Trong phân kỳ đầu thuộc dự án giãn dân phố cổ, đối tượng phải giãn dân đợt đầu chắc chắn là các hộ dân sống trong các khu di tích, trường học, công sở. Qua thống kê, hiện có hơn 500 hộ, đông nhất là các hộ sống trong khu di tích. Sau khi di dời xong, chúng tôi sẽ có dự án để trùng tu, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử này.

- Bà Hoàng Thùy, Phường Cửa Đông hỏi: Những hộ dân sống ở khu phố cũ, là hộ đông người nhưng không thuộc 10 phường thuộc khu phố cổ thì có thuộc diện được giãn dân hay không?

Các chính sách giãn dân và khu đô thị giãn dân đang được xây dựng chỉ áp dụng với các hộ thuộc khu phố cổ. Sau khi dự án giãn dân phố cổ được thực hiện thành công, Quận sẽ áp dụng tiếp chủ trương này với các khu phố cũ, vì dân số các khu này hiện cũng đang ở mức cao, với 1,2 triệu người và theo kế hoạch sẽ được giảm về 0,8 triệu người.
 
- Một số người dân ở đầu cầu 50 Đào Duy Từ hỏi: Dự án Đường sắt trên cao có đi qua nhiều tuyến phố? Cụ thể là giải phóng mặt bằng giãn dân tại đâu để nhân dân được biết để chuẩn bị tinh thần, vật chất?


Đây là dự án lớn. Với dự án này, hiện đang hình thành cơ bản 2 phương án: Một là đường sắt đi qua sông Hồng song song với cầu Long Biên khoảng 186m, nếu cách cầu Long Biên 186m, dự án sẽ không đi qua một phường thuộc quận Ba Đình nhưng phương án này đang có nhiều khiếu nại. Vì vậy, Bộ GTVT đang cùng các ngành xem xét hoàn chỉnh phương án. Thời gian gần đây, một phương án nữa được đưa ra là dự án đi song song cầu Long Biên 75m. Với phương án này, khi vào khu vực quận Hoàn Kiếm, tuyến này sẽ vào phố Hàng Đậu, đi vào phía Tây Bắc phố cổ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hai phương án này chưa được lựa chọn chính thức vì vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi sẽ có thông tin cụ thể khi có phương án chính thức được lựa chọn.
 
Giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của Thành ủy và UBND Thành phố nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) xuống còn khoảng 500 người/ha (là mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020); tương ứng với việc di chuyển khoảng 6.550 hộ dân, với khoảng 26.200 người dân.
 
Dự án giãn dân phố cổ chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ thực hiện di chuyển 1530 hộ dân tương ứng với 6120 người dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, trong các biển số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các biển số nhà do nhà nước quản lý có mật độ quá cao, các hộ dân đang sống trong phạm vi diện tích cần GPMB theo các dự án của thành phố, quận và các hộ dân có nguyện vọng tự nguyện di chuyển từ khu phố cổ sang định cư tại khu đô thị Việt Hưng.

Việc triển khai thực hiện giãn dân phố cổ là việc lớn và khó, mang ý nghĩa chính trị, xã hội cao. Chính vì vậy, trong thời gian qua, bên cạnh việc triển khai lập dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng; quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội cung cấp thông tin, qua đó định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn quận trong việc triển khai thực hiện Đề án giãn dân phố cổ.

Tùng Nguyễn - (ghi)

Ý kiến bạn đọc