(VnMedia) - Sau khi thông xe, cầu Nhật Tân sẽ cấm người đi bộ, xe súc vật kéo qua cầu. Các trường hợp xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau và theo làn tuyến quy định.
>> Sắp thông xe kỹ thuật cầu Nhật Tân
>> Yêu cầu làm rõ việc chậm tiến độ cầu Nhật Tân
>> Hà Nội đã quyết định giữ tên cầu Nhật Tân
Như VnMedia đã đưa tin, sáng nay (4/1), Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành thông xe Dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. Dịp này, để phục vụ các phương tiện qua lại trên cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã lên kế hoạch phân luồng cho các phương tiện qua lại như sau:
Từ đường vành đai 2 ( Xuân La, Nguyễn Hoàng Tôn ) đến nút giao cầu Nhật Tân: Cấm các phương tiện dừng đỗ xe sai vị trí từ nút giao Xuân La – Vành đai 2 đến đường qua sân bay Nội Bài.
Theo phương án phân luồng giao thông, tất cả các phương tiện từ đường Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ, An Dương Vương theo đường An Dương Vương đến vị trí nút giao với tuyến nhánh 1C ( phía đường Yên Phụ ) để lên cầu Nhật Tân.
Các phương tiện từ Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân di chuyển đến điểm giao đường vành đai 2 với đường Xuân La, đường Nguyễn Hoàng Tôn để lên cầu Nhật Tân và ngược lại.
Sau khi thông xe cầu Nhật Tân sẽ cấm người đi bộ và xe súc vật kéo qua cầu. |
Để an toàn cho người tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm người đi bộ và xe súc vật kéo qua cầu. Các xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau và theo làn tuyến quy định.
Tại phương án phân luồng cho các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng khuyến cáo: vào những hôm trời có gió cấp 6 trở lên xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện không nên qua cầu. Thời gian thực hiện từ 13 giờ ngày 4/1/ 2015.
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ VNĐ. Tổng chiều dài của dự án là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có chiều dài 3.755m, rộng 33,2m; trong đó: Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1500m, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép. Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối Phú Thượng (Tây Hồ) với Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội).
Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, trong đó: đường dẫn phía Bắc có chiều rộng (70 - 100)m, đường dẫn phía Nam có bề rộng 64m. Dự án có 3 nút giao, trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và đường QL5 kéo dài.
Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép.
Cây cầu này được kỳ vọng là điểm nhấn cho cảnh quan trên sông Hồng qua Thủ đô với kiểu dáng kiến trúc đẹp. Cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc