(VnMedia) - Sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015...
Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi). Theo đó, sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015.
“Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.” – ông Phan Trung Lý nêu rõ.
Về những vấn đề cụ thể, quá trình thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp đã có một số vấn đề xin Quốc hội cho ý kiến.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Lo bất ổn nếu không quy định thời hạn khởi kiện thừa kế
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Điều 645 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, bao gồm khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm và thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Về vấn đề này, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc “không quy định đối với thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại”, được quy định trong Dự thảo Bộ luật Dân sự, bởi vì thời hiệu này sẽ được áp dụng chung theo quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tại Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc không nên bỏ quy định thời hiệu khởi kiện để xác nhận quyền thừa kế, thời hiệu khởi kiện để bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
“Quan hệ thừa kế là quan hệ có tính chất huyết thống, gia đình và luôn có sự thay đổi qua từng thế hệ (con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại..). Nếu bỏ các thời hiệu yêu cầu này sẽ dẫn tới hệ quả là các giao dịch dân sự đối với tài sản thừa kế có được pháp luật thừa nhận và bảo đảm hay không khi bất cứ lúc nào tài sản đó cũng có thể là đối tượng của tranh chấp?” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.
Theo ý kiến của Ủy ban pháp luật, Việc bỏ các quy định này sẽ dẫn đến tài sản thừa kế không được xác lập quyền sở hữu và phát sinh tranh chấp, gây xáo trộn các quan hệ xã hội, đồng thời có thể gây quá tải cho hoạt động xét xử của Tòa án liên quan đến nội dung này.
“Mặt khác, việc không quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế sẽ không bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ, thống nhất với các quy định của pháp luật về tài sản, quyền sở hữu.” – ông Phan Trung Lý nói và cho biết, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc kế thừa quy định của Bộ luật dân sự hiện hành về thời hiệu thừa kế, đồng thời bổ sung quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế khi đủ điều kiện.
Về việc không quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự hiện hành thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật lần này không quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
“Ủy ban pháp luật tán thành về cơ bản không quy định về thời hiệu khởi kiện mà chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự để phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để các chủ thể căn cứ vào đó thực hiện các quyền dân sự của mình.” – ông Phan Trung Lý cho biết.
Tòa án không được từ chối...
Đối với quy định về tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 21 và Điều 22), Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định một Chương mới, trong đó xác định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Bộ luật này được áp dụng để xem xét, giải quyết” (Điều 21); và “Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị vi phạm được khôi phục hoặc được bảo vệ bằng các phương thức quy định tại Điều 17 của Bộ luật này” (Điều 22).
Ủy ban Pháp luật tán thành về mặt chủ trương là cần có những biện pháp nhằm xác lập, bảo vệ các quyền dân sự, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, đối với các nội dung mới được bổ sung tại Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Bộ luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc các nội dung này có thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS hay các đạo luật về tố tụng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 21 dự thảo Luật cho phép Tòa án áp dụng quy định tương tự khi chưa có luật điều chỉnh và đề nghị xem xét để quy định nội dung này không mâu thuẫn với nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Ý kiến bạn đọc