Cần xử nghiêm hành vi trả thù người chống tham nhũng

18:23, 25/10/2014
|

(VnMedia) - Bảo vệ người tố cáo, xử nghiêm những trường hợp có biểu hiện trả thù người tố cáo tham nhũng sẽ giúp người dân tự tin, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngược lại, nếu chúng ta chưa quan tâm, chưa làm tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì sẽ hạn chế rất lớn...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 25/10.

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng



- Để khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, cần phải làm gì thưa ông?

Có 3 việc phải làm thật tốt. Thứ nhất là phải công khai minh bạch. Người dân chỉ thực sự tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả khi có tương đối đủ thông tin và thông tin đó phải minh bạch về tổ chức, hoạt động của các cơ quan công quyền, của các đối tượng có thể có điều kiện tham nhũng.

Thứ hai, phải có cơ chế cần thiết để người dân tham gia vào quá trình đấu tranh chống tham nhũng. Tôi đã từng phát biểu vài lần, chúng ta thường gặp những biển “không nhiệm vụ miễn vào”, có thể trong những trường hợp nhất định đó cũng là nhiệm vụ cần thiết, nhưng nếu lạm dụng thì lại là rào cản để người dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Thứ ba, chúng ta phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy, người dân mới tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng tự giác, trách nhiệm đầy đủ.

- Theo ông, trong khi khuyến khích người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng lại vẫn có những biển “không nhiệm vụ miễn vào”, như vậy có phải là do tâm lý chờ người dân khi nào bức xúc thì tố giác tham nhũng?

Hiến pháp quy định quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân và một trong những biện pháp thực hiện quyền lực quan trọng là giám sát.  Như vậy, nếu chúng ta lạm dụng rào cản “không nhiệm vụ miễn vào” thì sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng vì sẽ hạn chế vai trò giám sát của người dân .

Cho nên, cần phải rà soát loại bỏ những rào cản khiến người dân khó có thể tiếp cận được thông tin, hoạt động của các tổ chức, đơn vi, cơ quan công quyền.

- Thực tế hiện nay nhiều người tố cáo tham nhũng vẫn bị đe dọa, trù dập, thậm chí bị cô lập dù tố cáo đó được kết luận là đúng và những người bị tố cáo bị xử lý do có hành vi tham nhũng. Vậy theo ông phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Pháp luật pháp hiện hành, trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định rất cụ thể việc bảo vệ người tố cáo đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng trù dập, trả thù khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại.

Tôi nghĩ rằng, trước hết các cơ quan có trách nhiệm phải làm hết bổn phận của mình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng từ bảo vệ thông tin của người tố cáo đến bảo vệ trực tiếp sức khỏe, tính mạng của họ. Đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện trả thù người tố cáo tham nhũng.

Nếu thực hiện tốt những việc đó sẽ tác động trực tiếp đến vai trò, sự tham gia của người dân nói chung, đặc biệt với những cán bộ công nhân viên chức, lao động ở chính cơ quan, đơn vị có tham nhũng. Người dân sẽ cảm thấy tự tin, yên tâm hơn khi tố cáo, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngược lại, nếu chúng ta chưa quan tâm, chưa làm tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì sẽ hạn chế rất lớn, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ triệt tiêu động lực, ý thức tham gia phòng chống tham nhũng của người dân.

- Xin cám ơn ông!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc