Thi trước, chọn trường sau: Thí sinh điểm cao tránh được rủi ro

07:56, 10/09/2014
|

(VnMedia) - Thí sinh thi trước, sau đó sẽ dùng kết quả để đăng ký vào những trường đại học, cao đẳng phù hợp với kết quả đó. Do vậy, sẽ tránh được tình trạng thí sinh điểm cao mà trượt đại học. Đây là một trong những ưu điểm của kỳ thi THPT Quốc gia vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chiều 9/9.

>>Kỳ thi chung: Bắt buộc thi cả toán, văn, ngoại ngữ


Ảnh minh họa

Thí sinh thi trước, chọn trường sau sẽ tránh được rủi ro - ảnh minh họa

 

Như VnMedia đã đưa tin về việc Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

 

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

 

Tại cuộc họp báo, ngay sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo công bố Quyết định, hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc tổ chức kỳ thi này đã được các phóng viên đặt ra đối với lãnh đạo Bộ Giáo dục.

 

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Chất lượng đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc thiết kế kỳ thi Quốc gia này sẽ giữ lại những gì tốt nhất của kỳ thi 3 chung trước đây.

 

Với câu hỏi được nhiều phóng viên quan tâm nhất, đó là việc ra đề thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết, đề thi chung này khá giống với đề thi đại học 2014 vì đề thi đó đã đảm bảo yêu cầu của phương án thi mới, chỉ có điều đề thi lần này sẽ được “làm đậm hơn một chút”, ví dụ như việc ra đề mở…

 

Về thời gian thi cũng sẽ giống như thi đại học, theo đó, thi tự luận trong 180 phút, trắc nghiệm trong 90 phút.

 

Một thắc mắc nữa được các phóng viên quan tâm, đó là việc miễn thi môn ngoại ngữ đối với thí sinh có chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục. “Vậy chứng chỉ nào sẽ được công nhận khi mà hiện nay, có khi chỉ bỏ ra 300.000 là đã mua được chứng chỉ?” – một phóng viên đặt câu hỏi.

 

Giải đáp điều này, ông Nghĩa cho biết, tới đây, Bộ sẽ ra những quy định cụ thể là những chứng chỉ nào được công nhận miễn thi chứ không phải chứng chỉ nào cũng được “Ví dụ như các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì chắc chắn là được công nhận, còn các chứng chỉ khác thì phải xem xét.” – ông Nghĩa nêu ví dụ và cho biết thêm, tới đây, Bộ sẽ sẽ thành lập Trung tâm Ngoại ngữ quốc gia để cấp chứng chỉ xét miễn thi, dần dần dùng các chứng chỉ này để thay thế cho việc thi môn ngoại ngữ tập trung.

 

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặc biệt quan tâm đến việc các trường Đại học sẽ tổ chức thi bổ sung để tuyển sinh viên như: “Liệu có thể xảy ra trường hợp có quá nhiều trường tổ chức thi bổ sung lần 2 hay không và nếu điều đó xảy ra thì Bộ Giáo dục có khống chế không?”, hay “Nếu có trường Đại học muốn tuyển sinh viên chỉ với 2 môn có được không?”.

 

Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, sắp tới, Bộ sẽ công bố Quy chế tuyển sinh, trong đó sẽ quy định cụ thể xem các trường có được phép tuyển sinh dựa trên kết quả 2 môn hay không. Thứ trưởng cũng khẳng định, việc tuyển sinh riêng là quyền tự chủ của các trường đã được quy định tại Luật Giáo dục Đại học, do vậy, Bộ sẽ không khống chế số lượng trường tổ chức thi bổ sung. “Tuy nhiên, Bộ khuyến khích các trường sử dụng kết quả của Kỳ thi Quốc gia vào việc xét tuyển” – ông Ga nói.

 

Ngoài ra, một số ý kiến cũng lo ngại về chất lượng và sự nghiêm túc của kỳ thi chung khi các trường đại học không chắc thí sinh đó liệu có đăng ký vào trường của mình hay không, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sẽ không có chuyện các trường thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức vì điều này đã được khẳng định trong những kỳ thi gần đây.

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, kết quả thi sẽ được công bố công khai trên mạng Internet, trong đó công bố cả phổ điểm để thí sinh tiện theo dõi và lựa chọn đăng ký những trường đại học phù hợp. Cùng với việc tổ chức thi trước, đăng ký dự tuyển sau thì đây là một điểm mới đặc biệt có lợi cho những thí sinh có kết quả thi điểm cao, tránh được rủi ro so với việc đăng ký trước, thi sau.

 

Về vấn đề xét tốt nghiệp, điều mà nhiều ý kiến băn khoăn là việc tổ chức 2 loại cụm thi, một là Kỳ thi chung và một là do các địa phương tự tổ chức cho các thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp chứ không thi đại học. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dù là thi cụm nào thì cũng chỉ có một đề thi chung.

 

Cũng liên quan đến việc xét tốt nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển “trấn an” các thí sinh khi khẳng định, chắc chắn sẽ không vì cách tổ chức này mà có sự xáo trộn nhiều trong kết quả đỗ tốt nghiệp. “Nhưng dù có kết quả thế nào thì Bộ cũng sẽ không có ý định tổ chức thi tốt nghiệp lần 2 như đã từng xảy ra năm 2007” – ông Hiển khẳng định.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc