(VnMedia) - Bán dâm không phải là sự lựa chọn của tất cả những người phụ nữ đang làm nghề này. Có rất nhiều con đường, có rất nhiều lý do đưa họ đến để chịu sự bóc lột tình dục.
Có những câu chuyện chưa bao giờ được kể, có những góc khuất chưa bao giờ được nói... - ảnh minh họa |
Sáng nay (9/9), sau 2 tháng phát động, cuộc thi có tên gọi “khát vọng yêu thương” - góc nhìn nhân văn về cuộc sống của những phụ nữ bán dâm đã chính thức công bố những tác phẩm được giải. 30 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 15 tác phẩm đoạt giải đều hướng tới việc thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận về vấn đề mại dâm, cũng như việc giảm kỳ thị trong xã hội nhằm kêu gọi sự bao dung và đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm, tạo cơ hội cho những phụ nữ bán dâm tại Việt Nam được hòa nhập cộng đồng.
“Lao động tình dục không phải là lựa chọn của tất cả những người đang làm nghề này và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng, gái bán dâm thì không có nhân phẩm” - đây là điều mà nhiều người tham dự lễ trao giải cuộc thi muốn gửi gắm đến cộng đồng và xã hội.
Những phụ nữ bán dâm, trước hết, họ đều là những con người nhưng đó là những con người bị xã hội khinh rẻ, bị coi những người bên lề của xã hội.
Nhưng, bạn có thể coi khinh và cho là không có nhân phẩm không, nếu đó là người phụ nữ ngày ở trong bệnh viện chăm chồng ốm thập tử nhất sinh, tối đi “bán hoa” lấy tiền trả viện phí?
Chúng ta có thể coi khinh và cho là không có nhân phẩm được không khi một cô gái hàng đêm ê chề chịu sự tra tấn tình dục của những gã đàn ông để lấy tiền gửi về quê nuôi mẹ già ốm đau?
Chúng ta nghĩ gì về những cô gái phải hy sinh cả tuổi trẻ của mình để dấn thân vào cái nghề được coi là “đáy của xã hội”, ngày đêm nơm nớp lo đứa con nhỏ bị cha nó bỏ rơi từ khi còn trong trứng nước biết được mẹ nó đang làm cái nghề bị coi khinh đó để kiếm từng đồng nuôi con?
Sao chúng ta có thể coi là không có nhân phẩm, khi bản thân họ, dù đã bị “kết án tử hình” bởi căn bệnh HIV/AIDS nhưng vẫn bằng mọi cách giữ cho những người xung quanh, giữ cho khách hàng của mình khỏi bị lây nhiễm?
Và, nỗi đau của họ, tâm tư của họ, những lý do chưa từng được kể, những góc khuất chưa từng được nói ra… cho đến khi gặp được những nhà báo, không phải đến để khai thác nỗi đau mà là để lắng nghe, để chia sẻ và để phát đi những thông điệp nhằm làm thay đổi quan điểm, cách nhìn về vấn đề mại dâm của cộng đồng, xã hội và của chính những nhà báo.
Để tham dự cuộc thi, nhà văn Trang Hạ đã phải từ Hà Nội bay vào TP. Hồ Chí Minh, ở trong đó nửa tháng trời và mỗi ngày đi 25 cây số để sống cùng, sinh hoạt cùng và tìm hiểu cuộc sống của nhân vật - người phụ nữ sinh năm 1956 đã từng hơn 20 năm làm nghề. Người phụ nữ ấy, khi đã thoát khỏi kiếp nô lệ tình dục, oái oăm thay, lại bị nhiễm HIV trong một lần đi làm công việc tình nguyện. Giờ đây, chị đang phải gồng mình nuôi 3 đứa con cũng bị nhiễm HIV.
Nói về nhân vật trong tác phẩm mà chị vừa đoạt giải nhì của cuộc thi, Trang Hạ xót xa: “Cuộc đời của chị là một bi kịch kéo dài và không biết sẽ kéo dài đến bao giờ”.
Trang Hạ cũng chia sẻ thêm: “Cách đây 20 năm, tôi đã từng làm công việc dạy ngoại ngữ cho gái nhảy chuyên nghiệp. Hầu hết những gái nhảy cao cấp đều “qua tay” tôi. Nhưng giờ đây sau 20 năm, gặp lại họ, tôi vẫn thấy họ vẫn vậy. Cuộc sống của họ không có gì thay đổi.”
Và sự thay đổi, ít nhất là từ trong nhận thức của cộng đồng, xã hội, đang được trông cậy một phần vào các nhà báo.
“Trong cuộc thi này, đối tượng để viết của chúng ta là những phụ nữ bị coi là hành nghề bất hợp pháp. Họ bị xã hội khinh rẻ, bị coi như những người bên lề của xã hội. Những phụ nữ lao động tình dục, họ là ai? họ có tâm sự, có nhân phẩm, có ước mơ, có khát khao cuộc sống bình yên, lành mạnh. Họ muốn được tôn trọng, muốn được thấu hiểu, và muốn được chở che tạo điều kiện để có thể quay về tìm một công việc khác.” - bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc trung tâm CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) nói tại lễ trao giải. Và cũng nhấn mạnh rằng, “nhiệm vụ của các nhà báo là rất khó khăn, thấu hiểu mà không cầu thị, đồng thời truyền cảm ứng ấy cho người đọc”.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc