"Chúng ta có nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền "

14:06, 03/02/2014
|

(VnMedia) - Năm Quý Tị vừa qua, ngành ngoại giao của Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, uy tín trong cộng đồng được củng cố và tiến thêm một bước quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng thì người dân vẫn còn những điều băn khoăn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 2/2/2014.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

 
- Thưa Phó Thủ tướng, năm vừa qua, Việt Nam liên tiếp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Xin Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam được lợi gì, có gì khác so với trước hay không và cá nhân như từng người dân được lợi gì từ việc này? 
 
Năm 2013 là năm có dấu ấn rất quan trọng về đối ngoại, đó là đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các nước quan trọng trên thế giới đi vào chiều sâu ổn định, Nếu trong 13 năm qua, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng đối tác chiến lược với 13 nước, đối tác toàn diện với 11 nước thì riêng năm 2013, chúng ta đã xây dựng đối tác chiến lược với thêm 5 nước; và đối tác toàn diện với thêm 2 nước.

Xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ đóng vai trò rất quan trọng vì đây là những nước lớn có tầm ảnh hưởng trên thế giới và trong khu vực. Trước tiên, về quan hệ chính trị sẽ được nâng lên tầm cao hơn mức bình thường, ngoài ra còn là quan hệ về an ninh quốc phòng hay trên các lĩnh vực khác như kinh tế thương mại, đầu tư...
 
Đối với đất nước, với từng người dân, chúng ta có một quan hệ hữu hảo, tốt với các nước lớn, các nước quan trọng, nhất là các nước thường trực Hội đồng Bảo an thì sẽ tạo ra môi trường ổn định. Đặc biệt, đối với các nước này, vấn đề kinh tế, văn hóa, thương mại… đều phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, từ khi chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga thì thương mại của Việt Nam với Nga tăng lên 6 lần; với Trung Quốc trong 6 năm, thương mại tăng lên 4 lần; với Anh trong 3 năm thương mại tăng lên gấp gần 2 lần. 
 
5 nước Hội đồng thường trực Bảo an hiện nay có giao dịch thương mại với chúng ta chiếm tới 45%; về vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam thì riêng 5 nước này chiếm 20%. Trong số hơn 100 ngàn du học sinh của Việt Nam đi ra nước ngoài thì hiện chiếm đến 60% số sinh viên học ở những nước này. Về du lịch, du khách của 5 nước này cũng chiếm 45% số du khách từ nước ngoài vào Việt Nam. Như vậy, có thể thấy khi chúng ta nâng mối quan hệ với các nước lên thành đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện thì đương nhiên mỗi người dân đều hưởng lợi từ các mối quan hệ này.
 
- Theo dõi qua nhiều năm thì thấy năm 2013 xảy ra tranh cãi ở Biển Đông rất căng thẳng. Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh này chúng ta cần làm gì để vừa duy trì quan hệ hữu nghị hợp tác với nước láng giềng và trong khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?
 
Trong năm 2013, vấn đề độc lập chủ quyền của chúng ta luôn được giữ vững. Chúng ta đã xây dựng một đường biên giới với các nước láng giềng, trong đó với Trung Quốc đã hoàn thành toàn bộ cắm mốc biên giới; với Lào, chúng ta đã tăng dầy và tôn tạo các cột mốc; với Campuchia đang gấp rút hoàn thành đường biên giới. Như vậy, có thể nói chúng ta đã đảm bảo chủ quyền, đóng góp vào quan hệ hữu nghị và an ninh của đất nước.
 
Trên Biển Đông, chúng ta có nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền và thực tế hiện nay, người dân của chúng ta vẫn làm ăn, sinh sống, hoạt động kinh tế thường xuyên trên vùng biển, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta kiên quyết bảo vệ, chống lại các việc làm vi phạm chủ quyền.
 
Biển Đông còn có những vấn đề phức tạp, tranh chấp, đó là thực tế giữa Việt Nam và một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải thông qua thương lượng bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa sử dụng vũ lực và phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển 1982. Đó là chủ trương của chúng ta và chủ trương đó được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như trong các nước thành viên ASEAN.
 
Chúng ta chủ trương tiếp tục giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, qua các biện pháp hòa bình, đồng thời cùng các nước ASEAN để phấn đấu xây dựng, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xủ trên biển đông để đảm bảo hoà bình ổn định trên vùng biển này.
 
- Thưa Phó thủ tướng, nhân quyền là vấn đề hàng đầu ở các nước văn minh. Tuy nhiên, nếu truy cập Internet thì Phó thủ tướng có thể thấy nhiều bài viết cho rằng Việt Nam không coi trọng nhân quyền, quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng. Phó Thủ tướng nghĩ thế nào về quan điểm này và ông có thể cho thấy quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?
 
Qua 30 năm đổi mới thì quyền con người của người dân Việt Nam ngày càng phát triển, ngày càng được nhà nước bảo đảm. Điều này thể hiện rất rõ trong bản Hiến pháp 2013 vừa được Quốc hội thông qua. Trong chương 2 có 36 điều thì toàn bộ 36 điều đó đều liên quan tới các quyền con người và các quyền đó hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về vấn đề nhân quyền như các công ước về chính trị, kinh tế xã hội mà chúng ta là thành viên.
 
Có thể nói, trong thời gian vừa qua, những năm qua quyền con người ngày càng được bảo đảm hơn trên tất cả lĩnh vực, nhất là lĩnh vực Internet, Việt Nam là một trong những nước phát triển với tốc độ cao nhất trên thế giới. Hiện nay, người dân sử dụng Internet ở Việt Nam trên mức bình quân của thế giới, điều đó rất ấn tượng. Chúng ta là một trong 6 nước thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ và thực hiện trước thời hạn 2015. Chính những thành tựu đó nên vừa qua Việt Nam được bầu với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và có lẽ nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng là cao nhất trong lịch sử Hội đồng này, với 184/193 nước tán thành. Các nước đánh giá, thừa nhận những đóng góp của Việt Nam vào quyền con người không phải chỉ trong nước bởi tham gia vào Hội đồng nhân quyền tức là đóng góp vào lĩnh vực quyền con người trên thế giới.
 
Đương nhiên, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có những vấn đề về quyền con người, chính vì vậy, các nước luôn đặt mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở mỗi nước. Cũng có thể nói, có các ý kiến khác nhau đối với chính sách về quyền con người ở mỗi nước. Có người mong muốn, thúc đẩy, nói thêm những vấn đề mà Chính phủ chưa đảm bảo được về quyền con người, những tiếng nói đóng góp làm sao để làm tốt hơn, thúc đẩy tốt hơn quyền con người. Nhưng cả ở nước chúng ta và nhiều nước khác cũng vậy, một số người luôn luôn tìm cách chỉ trích chính sách của Chính phủ về quyền con người. Chúng ta dù có làm tốt đến bao nhiêu nhưng vẫn có một số người, một số thế lực luôn luôn tìm mọi cách để chỉ trích việc thực hiện quyền con người vì những mục tiêu khác nhau.
 
Vì thế, chúng ta vừa phải làm tốt hơn việc bảo vệ quyền con người vừa phải cung cấp thông tin để cho người ta hiểu, cung cấp thông tin rộng rãi về những việc ta đã làm được và cũng đồng thời đưa ra những vấn đề chúng ta cần tiếp tục thực hiện. Giữa các quốc gia với nhau cũng vậy thôi. Có quốc gia chỉ trích quốc gia khác ở Hội đồng Nhân quyền, hoặc diễn đàn quốc tế về vấn đề này vấn đề kia thì có thể do thông tin họ chưa đầy đủ. Chúng ta cần tăng cường đối thoại với các nước. Hiện, Việt Nam chúng ta đã có một số cơ chế đối thoại với một số nước để trao đổi thông tin.
 
- Sau khi nghe báo cáo về một số đoàn đi nước ngoài kém hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, có nước thấy đoàn Việt Nam đến là người ta sợ. Bộ Ngoại giao sẽ góp phần kiểm soát như thế nào về việc này để tiền ngân sách không bị phung phí cho các chuyến đi không hiệu quả?
 
Chúng ta có quan hệ ngoại giao với 184 nước, việc thăm viếng giữa các nước với nhau là việc đương nhiên và các nước đều làm. Chúng ta hàng năm cũng đón rất nhiều đoàn của các nước tới Việt Nam.
 
Trong thời gian qua, các đoàn Việt Nam đi nước ngoài đều đáp ứng được các mục tiêu cơ bản là thúc đẩy quan hệ trên tất cả lĩnh vực. Cả năm 2013 nếu so với 2012 thì thấy các đoàn đi nước ngoài giảm tới 30%. Nhưng ở đây, theo tôi, vấn đề cần lưu ý là các đoàn đi tìm hiểu, học tập thì cần phải có lộ trình, mục tiêu rõ ràng để học tập kinh nghiệm là lĩnh vực gì. Sau khi đi thì các đoàn cần có báo cáo để chia sẻ với với các cơ quan, bộ ngành, địa phương về những điều mình học tập được từ chuyến đi.
 
Đối với các đoàn Trung ương hoặc địa phương đi ra nước ngoài, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại giao cũng sẽ có trách nhiệm. Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ĐSQ và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp cho các đoàn bố trí, đặt mục tiêu để cho các nước tiếp nhận đáp ứng mục tiêu mà chúng ta đề ra.
 
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc