Tư lệnh ngành Môi trường: Những điều tâm đắc và trăn trở

07:33, 02/02/2014
|

(VnMedia) - Sau hơn 2 năm ngồi trên ghế nóng, với sự tự tin ngay từ những ngày đầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có được những thành quả khiến ông tâm đắc, nhưng cũng còn đó nhiều điều trăn trở…


Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Điều tôi tâm đắc nhất, đó là Luật Đất đai đã được thông qua - ảnh: Tuệ Khanh

 

- Thưa Bộ trưởng, trả lời một số báo chí sau khi nhận cương vị mới là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông có nói: “Tôi tự tin ngồi trên ghế nóng”. Vậy, cho đến giờ phút này, kết quả nào khiến ông hài lòng nhất?


Đúng là thời kỳ đầu nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, tôi có nói là tôi rất tự tin khi ngồi trên ghế nóng này, đó là vì tôi có một đội ngũ cộng sự, từ các Thứ trưởng đến các cơ quan thuộc Bộ rất có kinh nghiệm trong quản lý.


Sau hơn 2 năm đảm nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều việc mà tôi quan tâm, nhưng trong năm 2013, có một kết quả rất quan trọng, đó là sau một thời gian dài chuẩn bị, Luật Đất đai đã được thông qua ngay sau khi Hiến pháp được thông qua. Đây là điều mà tôi rất tâm đắc. Chưa có luật nào lại phải qua 3 kỳ họp mới được thông qua. Kết quả đó là công lao của cả Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các Bộ, Ngành khác và đặc biệt là từ Nghị quyết của Trung ương cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ.


- Ngược lại, điều gì khiến Bộ trưởng trăn trở nhất?


Như các bạn đều biết, ngành Tài nguyên môi trường có nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước… đây là những lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất lớn và tôi coi đó vừa là yếu tố thuận lợi, song cũng vừa là thách thức khi đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Hơn 10 năm qua, Ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.


Công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên còn chưa hiệu quả, đặc biệt là đất đai, khoáng sản mặc dù đã có nhiều cố gắng những vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; môi trường bị ô nhiễm nặng trong giai đoạn phát triển kinh tế nóng. Cùng với đó là nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận còn hạn chế.


Điều mà tôi trăn trở nhất chính là việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đến nay còn chưa được như mong muốn. Cụ thể là tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm vẫn đang diễn ra, có nơi đến mức nghiêm trọng, tác động xấu tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội.


Vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều vi phạm nghiêm trọng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.


- Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực làm hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người thi hành công vụ và người dân chấp hành pháp luật đất đai. Trong năm2014, những hoạt động nào sẽ được thực hiện để Luật đi vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?


Để Luật Đất đai sửa đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật, trong đó yêu cầu các Bộ, Ngành và địa phương tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ sau:

 

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai; kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai.


Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, đảm bảo đúng pháp luật. Đẩy mạnh điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm tốt công tác định giá đất.


Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai; xử lý dứt điểm các vi phạm, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng kéo dài; triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất.


Tôi tin tưởng rằng, Luật đất đai sau khi có hiệu lực sẽ góp phần thiết lập được hệ thống quản lý đất dai hiện đại, minh bạch và hiệu quả, có sự tham gia giám sát tích cực của các cơ quan dân cử và nhân dân, khắc phục các vướng mắc, bất cập; qua đó nguồn lực đất đai sẽ được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giảm các khiếu kiện về đất.


- Trong năm 2013 nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị phát hiện, phần lớn các vụ việc thông tin là do người dân cung cấp. Bộ trưởng nhìn nhận thực tế này như thế nào, phải chăng công tác thanh tra kiểm tra về môi trường của chúng ta còn yếu kém?


Môi trường có thể nói là vấn đề của cả xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế, môi trường cũng phải bị ô nhiễm, nhưng chúng ta chấp nhận được mức nào thì cũng cần phải tính toán. Do đó, chúng ta phải làm sao kiểm soát được hành vi gây ô nhiễm, đặc biệt là tình trạng xả thải tại các khu công nghiệp, làng nghề hiện đang rất nghiêm trọng.


Trong thời gian qua, phải khẳng định là công tác thanh tra kiểm tra về môi trường cũng đã được nâng cao. Nhờ đó một số vụ việc vi phạm cũng đã được lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp vi phạm vì số lượng doanh nghiệp của chúng ta lớn lắm, nên tình trạng xả thải gây ô nhiễm là rất phức tạp.


Bởi vậy, trong năm nay, ngành tài nguyên và môi trường chúng tôi sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa việc thanh tra kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp liên quan nhiều đến hóa chất, xả thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực.


- Trong năm 2013 Chính phủ đã siết lại việc quản lý tài nguyên khoáng sản để hạn chế tối đa tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật. Bộ trưởng có thể chia sẻ các giải pháp về tăng cường quản lý quản trị tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới?

 

Khoáng sản cũng là một vất đề rất nóng, nhưng từ khi có Luật khoáng sản năm 2010, tình hình quản lý khai thác khoáng sản đã chặt chẽ hơn nhiều. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất khoáng sản xây dựng các văn bản chi tiết hơn.


Tuy nhiên, vì khoáng sản chúng ta có hạn nên các địa phương cần nhận thức đầy đủ về pháp luật, cũng như tăng cường thanh tra kiểm tra hoạt động khai khoáng trên địa bàn. Phải khẳng định tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phát triển đất nước, song chúng ta không thể tự do đào bới. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh là chúng ta được khai thác đất đai, tài nguyên nhưng phải nghĩ đến con cháu của chúng ta sau này.


Với tinh thần đó, trong thời gian tới Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, cũng như đảm bảo tài nguyên khoáng sản được quản lý, khai thác một cách hợp lý, đúng pháp luật.


- Bước sang năm mới 2014, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ chọn lĩnh vực nào làm trọng tâm công tác, thưa Bộ trưởng?


Năm 2014 này, chúng tôi xác định là một năm rất quan trọng - năm giữa nhiệm kỳ. Do đó, trong năm nay chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, thanh tra kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt nhất là ban hành các văn bản liên quan đến đất đai để ngày 1/7/2014, Luật Đất đai có hiệu lực.


Hơn nữa, trong Luật Đất đai có nội dung cấp giấy chứng nhận đã được triển khai thực hiện rất tốt trong năm 2013, tuy nhiên, một số loại đất chưa cấp đạt chỉ tiêu cũng cần phải hoàn thành, nhất là tăng cường quản lý các số liệu đã đo đạc để đưa vào hệ thống quản lý trên toàn quốc đối với từng thửa ruộng.


Vấn đề thứ hai chúng tôi quan tâm đó là Luật Bảo vệ môi trường sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Đây cũng là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp đến mọi người dân. Trong năm nay, Bộ cũng xác định là năm tập trung thanh tra kiểm tra các hoạt động môi trường trên cả nước, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…


Song song với đó, Bộ sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, xây dựng Luật về quản lý tài nguyên môi trường biển. Trên cơ sở đó, tôi đề nghị cán bộ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường trên cả nước tiếp tục thực thi tốt pháp luật, để đảm bảo nguồn tài nguyên của đất nước được quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững đồng thời tạo một môi trường sống trong lành cho mọi người dân.


- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc