Bộ trưởng Nông nghiệp: Cần làm điều có lợi nhất cho dân

07:19, 20/11/2013
|

(VnMedia) - "Chúng ta nên tạo điều kiện cho nhân dân, làm điều có lợi cho họ; Luôn phải bám sát, chỉ đạo sát sao để người dân có lợi nhất... là những điều Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 19/11...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Cao Đức Phát - ảnh: TT


Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đã lên tiếng về tình hình quản lý vật tư nông nghiệp gây yếu kém, tình trạng phân bón giả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm tràn lan trên thị trường… “cả nước có khoảng 600 cơ sở sản xuất phân bón, đa số là thủ công. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, không có trong danh mục, quá thời hạn sử dụng, công nghệ trồng rau muống siêu tốc, chất kích thích giúp cây su su dài hơn trong một đêm…Tình trạng này chậm được khắc phục, mà còn có khả năng phát triển mạnh hơn. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới là gì?” – đại biểu Trần Văn Minh hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT phụ trách quản lý phân bón, hướng dẫn sử dụng phân bón nhưng không quản lý sản xuất phân bón vô cơ. “Qua kiểm tra, chúng tôi cũng nhận thấy những loại phân bón, thuốc trừ sâu chất lượng kém, độc hại tổn tại trên thị trường… Do đó, từ vài năm nay, chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành chú trọng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.” – Bộ trưởng nói.

 “Bộ đã xác định quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ số một của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong 2-3 năm nay. Với tư tưởng như vậy, đích thân Bộ trưởng, trong trường hợp đặc biệt không tham dự được, cũng đã ủy quyền cho đồng chí Thứ trường hàng tháng họp giao ban chuyên đề về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm điểm đôn đốc thực hiện vẫn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… đã tạo sự chuyển biến nhưng chưa được như mong đợi của nhân dân. Vì thế, Bộ rất quyết tâm và cố gắng triển khai thực hiện” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Về giải pháp, ông đưa ra 4 nhóm, đó là: hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn (điều chỉnh 1250 tiêu chuẩn); chấn chỉnh bộ máy quản lý chất lượng vật tư, thanh kiểm tra toàn quốc và tăng cường tuyên truyền, phổ biến đấu tranh với những người làm ăn bất chính… Về công tác thanh kiểm tra, Bộ trưởng cho biết lực lượng thanh tra nông nghiệp rất ít, trung bình mỗi tỉnh chỉ có 5-7 người, Bắc Kạn chỉ có có 1 người, Bắc Giang có 2 người…

Đại Biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn Hậu Giang đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng về tình trạng nông dân “được mùa mất giá” và về vấn đề nhập khẩu 30.000 tấn đường của công ty Hoàng Anh Gia Lai và “Mong Bộ trưởng có chính kiến rõ hơn, cho biết đến khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá như hiện nay?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Nông dân chịu thiệt hại do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Với tư cách là Bộ trưởng Nông nghiệp, được Chính phủ, Quốc hội giao để lo cho dân, tôi cũng có trách nhiệm. Khi nào chúng ta cũng mong được mùa nhưng do thiên nhiên, và do thị trường… không chỉ phụ thuộc vào thị trường 90 triệu dân trong nước. Chúng ta phải luôn luôn phải điều chỉnh, phải phụ thuộc tình thế không thế có định lượng ổn định mãi mãi. Do đó, luôn phải bám sát, chỉ đạo sát sao để người dân có lợi nhất.”

Trả lời về chính sách tạm trữ chưa đem lại lợi ích để phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam của đại biểu Tuyết, Bộ trưởng cho biết: Chính sách tạm trữ là một giải pháp tình thế mà chỉ khi nào giá lúa gạo xuống thấp, nông dân không được lãi thì Chính phủ mới sử dụng để ngăn chặn giảm giá… Việc thực hiện giải pháp đó đã được thực hiện tương đối thành công, ngăn chặn đựoc giảm giá, làm tăng giá …

“Tuy nhiên, chúng tôi nhất trí với các đại biểu rằng chúng ta cần phải suy nghĩ triển khai những giải pháp đồng bộ để xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay, phải rà soát quy hoạch về khu vực trồng lúa. Chúng ta có lợi thế về cây lúa nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên trồng lúa mọi lúc, mọi nơi trên đất nước mà phải tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và những vùng mà thực sự đất tốt và những điều kiện tự nhiên tốt cho cây lúa. Còn những vùng trung du miền núi, vùng đất cát thì nên chuyển sang cây khác… Chúng ta nên tạo điều kiện cho nhân dân làm điều có lợi cho họ. Với tư tưởng đó, chúng tôi đã ban hành Thông tư số 47 để hướng dẫn cụ thể nhân dân chuyển đổi cây trồng”, Bộ trưởng nói.

Quan tâm đến đời sống của bà con trồng cà phê, Đại biểu Tôn Thị Ngọc Khánh (Đắk Nông) hỏi cho rằng, hợp tác giữa các bộ, ban ngành chưa chặt chẽ, còn buông lỏng trong quản lý giá, thị trường. “Mặc dù vấn đề này còn liên quan đến Bộ Công thương và các cơ quan khác, nhưng hôm nay không có Bộ trưởng Bộ Công thương ở đây nên tôi xin bộ trường Cao Đức Phát cho biết ý kiến về tình hình mua bán nông sản với nông dân chiếm bao nhiêu thị phần, khó khăn, thử thách và giải pháp hợp tác với cơ quan bộ ngành khác?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy mô hình cánh đồng lớn không chỉ áp dụng trong sản xuất lúa gạo mà chúng tôi đang suy nghĩ và cùng với các cơ quan quản lý nông nghiệp tại các địa phương thí điểm và nhân ra diện rộng đối với các loại sản phẩm khác. Chúng tôi rất phấn khởi, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành một Quyết định về chính sách hỗ trợ liên kết về cánh đồng lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai Quyết định này.” – Bộ tưởng nói.

Theo Bộ trưởng, đối với việc giá cà phê giảm, Bộ rất chia sẻ với bà con vùng cà phê và đã tổng hợp tình hình, bàn với các Bộ, đã họp trực tuyến với địa phương tại Tây Nguyên và trong ngày ngày 19/11, Bộ đã ký văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ chính sách để hỗ trợ về mặt thị trường nhằm ngăn chặn việc suy giảm giá, đặc biệt là hỗ trợ cho bà con có khả năng để lưu trữ cà phê bán vào thời điểm thích hợp.

Liên quan đến vấn đề thủy điện gây lũ tại miền Trung, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Thanh Hóa có nhiều hồ đập, hệ thống hồ đập được hình thành từ nhiều năm, giúp ích nhiều cho đời sống của nhân dân, nhưng hiện ta chỉ lo khai thác mà chưa chăm lo bền vững. Chỉ sau trận mưa đã vỡ 2 hồ đập, mất an toàn hồ đập đang là nguy cơ lớn. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào tình hình hồ đập hiện nay?

Cũng quan tâm đến tình hình bão lũ, đại biểu Phan văn Quý (Nghệ An) chất vấn: “Thiệt hại do lũ bão gây cho miền Trung vùng lũ là rất lớn, Bộ có chủ trương xây dựng nhà tránh bão như thế nào, tham mưu gì cho Chính phủ?

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Nước ta có hơn 6.800 hồ, đến giờ còn khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần nâng cấp. Năm nay có 317 hồ hư hỏng. Vừa qua Chính phủ đã chi hỗ trợ địa phương sửa chữa 90 hồ. Trong đợt bão lũ vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ địa phương sửa chữa một số hồ và cảnh báo bà con những hồ đang hỏng, cần đề phòng. Chúng tôi cũng kiến nghị Quốc hội cần quan tâm và dành kinh phí để sửa chữa các hồ, đập, đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ.”


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc