(VnMedia) - Sáng 28/3, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận huyện về vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Theo báo cáo tình hình thực hiện cải cách hành chính của TP. Hà Nội, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ chưa cao, nhất là một số cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức và công dân. Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa cao, thiếu trách nhiệm, cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Báo cáo dẫn chứng, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức có nguyên nhân từ việc thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của người đứng đầu các cấp, các ngành có lúc có nơi còn hạn chế.
Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy, tính quyết đoán trong chỉ đạo của các sở được khảo sát đợt 2 tại các Sở: Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc được đánh giá với mức độ thấp, cao nhất chỉ là 28%. Điều đó thể hiện sự chỉ đạo thực hiện phối hợp đồng bộ, gắn kết giữa các bộ phận chức năng, vai trò quán xuyến chỉ đạo chung còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ hài lòng đối với thái độ thực thi công vụ của đội ngũ công chức tại các sở này cũng rất thấp, cao nhất chỉ đạt 26,2%.
Ngoài ra, hệ thống chế tài xử lý cán bộ, công chức có sai phạm chưa đủ mức răn đe, phòng ngừa, công tác thanh kiểm tra công vụ chưa thực hiện quyết liệt khi có sai phạm xảy ra, việc xử lý trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu chưa kịp thời và kiên quyết.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, cải cách hành chính là một vấn đề nóng bỏng, ngay từ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 14 đã đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nội dung cải cách hành chính là khâu đột phá được Hà Nội đưa ra từ trước khi có đề án 30 của Chính phủ.
“Điều đó chứng tỏ về mặt nhận thức chúng ta làm sớm. Trong quá trình thực hiện, chúng ta cũng đạt được nhiều chuyển biến quan trọng. Nhưng tất cả những công việc chúng ta đã làm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí có những việc không có chuyển biến gì đáng kể” – ông Phạm Quang Nghị nhận xét.
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng, lực cản của công tác cải cách hành chính hiện nay bắt nguồn từ cơ chế, chính sách, quy định còn chồng chéo, lạc hậu, không đi vào đời sống, nhiều thủ tục cần sửa đổi, bãi bỏ, nhưng lại chậm được thực hiện. Bên cạnh đó, những người hoạt động trong bộ máy hành chính lại không quyết liệt, quyết tâm thực hiện, thậm chí còn có biểu hiện tiêu cực.
“Trước đây, sự trì trệ thường nói tới cấp cơ sở, nhưng qua kiểm tra thực tế cho thấy sự chuyển biến của bộ phận tiếp dân một cửa tại cơ sở đã có sự thay đổi đáng kể, rất đáng biểu dương. Trong khi đó dường như sự trì trệ, chậm cải cách lại nằm ở các sở ngành, cấp Thành phố. Trong một chừng mực nhất định, các quận huyện đang kêu cấp Thành phố, trong đó có tôi” – Ông Phạm Quang Nghị nói.
Nói về chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho biết rất đáng tiếc khi cả năm 2012, Hà Nội đã rất quyết liệt cải cách hành chính, Ban thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố lập hẳn một Ban chỉ đạo để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với mục tiêu cải thiện ít nhất là 10 bậc, nhưng kết quả lại giảm tới 15 bậc.
Ông Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn chia sẻ: “Doanh nghiệp nói rằng, họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí này (phí bôi trơn – PV) dù nhiều hay ít. Nhưng người ta cũng nói “những nơi khác bôi thì trơn, còn ở Hà Nội thì bôi nhưng không trơn”!.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Nghị cũng bày tỏ sự cảm thông với cán bộ công chức bởi áp lực công việc luôn quá tải, nhiều việc mới, việc khó, hệ thống văn bản chồng chéo, vất vả mà lương không cao.
“Toàn bộ cán bộ công chức bộ phận một cửa lương chỉ 3 triệu/tháng mà phải tươi cười, niềm nở suốt ngày. Trong khi đó, môi trường làm việc của họ luôn phải tiếp xúc với sự tấn công của cơ chế thị trường. Đó là những nhân tố khách quan” - ông Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Nói về năm “kỷ cương, hành chính” 2013, ông Phạm Quang Nghị đề nghị Hà Nội cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng ứng xử giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách; thực hiện các thủ tục hành chính, phát huy cơ chế giám sát việc thực hiện và tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ…; Khẩn trương rà soát, hoàn thiện, phổ biến công khai các quy trình, quy định trong giải quyết công việc, xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý kinh tế xã hội theo hướng phân cấp rõ việc, rõ địa chỉ, rõ chức năng nhiệm vụ mỗi cấp.
Ý kiến bạn đọc