(VnMedia) - Để kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy đầu ra cho rau an toàn, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với Công ty Vietxan xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn”… Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết.
- Thưa ông, người dân Hà Nội hiện đang rất lo lắng bởi tình trạng mất an toàn vệ sinh của các lọại rau, củ, quả. Trong khi đó, người nông dân thì lại kêu khổ vì không tiêu thụ được rau sạch. Vậy, vai trò của Chi cục Bảo vệ Thực vật trong việc giải quyết tồn tại này như thế nào?
Để kết nói giữa người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy đầu ra cho rau an toàn, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với Công ty Vietxan xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn” thực hiện việc hỗ trợ các đơn vị quảng bá, tiếp thị bán hàng, xây dựng thương hiệu, giao dịch với khách hang. Hiện tại, chúng tôi đã quảng bá 25 cơ sở sản xuất rau an toàn trên sàn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối các cơ sở sản xuất rau an toàn với các nhóm tiêu thụ như các nhà bán buôn, siêu thị, nhà hàng, khách sạn…
- Hiện nay, nhiều chợ và các khu tập thể vẫn không có địa điểm bán rau an toàn theo những quy chuẩn mà Thành phố đã thông báo, vì vậy, người dân rất khó để có thể hoàn toàn tin tưởng khi mua rau sạch. Vậy, TP có biện pháp gì để khắc phục bất cập này?
Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội |
Theo đó, mỗi điểm phân phối rau an toàn có khoảng 50 hộ dân, địa điểm tiếp nhận rau an toàn được đặt cố định có gắn biển hiệu, bảng giá rau an toàn của các hợp tác xã…, nhóm trưởng sẽ kết nối với các hợp tác xã sản xuất rau an toàn để lựa chọn đặt hàng thông qua Sàn. Mỗi tuần, rau an toàn được đưa đến theo đơn đặt hàng của từng điểm khoảng 2-4 lần. Tại các khu chung cư, nếu người dân tự tìm được điểm tập kết và cùng đăng ký mua một lượng rau nào đó qua sàn giao dịch thì sẽ được cung cấp theo nhu cầu.
- Thưa ông, với 58 điểm bán rau an toàn hiện đã được cấp phép, làm thế nào để người dân có thể tin tưởng?
Để truy xuất nguồn gốc và từng bước quản lý chặt chẽ sản phẩm rau an toàn, chúng tôi đã triển khai thí điểm kiểm soát rau an toàn theo chuỗi từ cơ sở sản xuất đến nơi tiêu thụ, gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện thí điểm được ở 29 cơ sở. Quá trình theo dõi, quản lý, 2 cơ sở có dấu hiệu không thực hiện nghiêm túc đã bị chúng tôi cho dừng lại. Chúng tôi làm rất nghiêm… Nói như thế cũng có nghĩa là rất nhiều rau thực sự an toàn đang được bán tại các chợ nhưng vẫn chưa được dán tem. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai.
- Trong lĩnh vực thực vật không chỉ có rau mà các loại quả cũng rất quan trọng. Ông có thể cho biết thực hư tin đồn về các loại chuối, đu đủ bị phun thuốc ép chín?
Quả thực là hiện nay chúng tôi đang tập trung ưu tiên cho rau an toàn. Tuy nhiên, các loại quả, đặc biệt là chuối và đu đủ là những loại quả thông thường rất phổ biến, được người dân tiêu thụ nhiều và cần được quan tâm. Chúng tôi cũng đã từng phát hiện vài vụ dùng hóa chất phun tẩm cho chuối và đu đủ chín đẹp, nhưng đó là những hóa chất không tên tuổi, labo của chúng ta chưa phát hiện ra được là chất gì. Trước mắt, chúng tôi đang thí điểm hình thành thương hiệu chuối và đu đủ an toàn tại 2 khu vực, dấm bằng cách truyền thống là cho vào chum, sau đó thắp hương làm chín. Những loại quả này sẽ được dán đai niêm phong theo thiết kế.
Ngoài rau và quả, chúng tôi cũng đang làm thương hiệu chè an toàn của Hà Nội, đó là chè Huy Quý ở Bắc Sơn.
- Hướng sắp tới, Hà Nội sẽ làm gì để quản lý tốt vấn đề rau quả an toàn?
Nhu cầu rau quả tươi ở Hà Nội là rất lớn, sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60%, trong số đó thì cũng chỉ mới có khoảng hơn 30% là được đưa đến từ các vùng rau an toàn. Đối với 40% rau quả tươi từ các tỉnh đưa về, chúng tôi đã xin kiến nghị Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội và các tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phối hợp quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm rau quả tươi tại Hà Nội, đặc biệt hỗ trợ khâu truy xuất nguồn gốc, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trên địa bàn.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để tăng tính răn đe, giảm tình trạng tái diễn vi phạm.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc