(VnMedia) - Thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất đưa thêm một số hành vi vào danh sách 12 hành vi tham nhũng quy định trong dự thảo luật.
>> Chống tham nhũng: Sống xa hoa phải giải trình
Ra chính sách sai cũng là hành vi tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, việc liệt kê 12 hành vi tham nhũng như dự thảo luật là chưa đầy đủ, chưa bao quát các hành vi tham nhũng, bởi, tham nhũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt có sự liên minh liên kết trong và ngoài nước, liên kết vùng đia phương…
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên đề nghị bổ sung thêm các hành vi khác cũng là hành vi tham nhũng ngoài 12 hành vi trong dự thảo luật. Đó là, hành vi của tập thể câu kết với nhau để tham nhũng; thứ hai là hành vi tiếp tay, bao che, môi giới tham nhũng.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng thẳng thắn đề nghị, phải đưa thêm ít nhất là một hành vi nữa và dự thảo luật, đó là hành vi ra chủ trương chính sách, ban hành quyết định sai.
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, phải làm rõ nguyên nhân việc ban hành chủ trương chính sách sai, quyết định sai, cấp giấy phép sai. Nếu là vô ý, do trình độ năng lực hạn chế, cần truy ra là ai bố trí cán bộ đó...
Đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất, phải kê khai cả tài sản của con cái lãnh đạo. Theo ông, nhiều lãnh đạo có con cái trưởng thành, giỏi giang, song bên cạnh đó cũng không ít con cái của các vị bỗng giàu lên một cách bất thường. Bởi vậy, cần kê khai thêm tài sản các đối tượng này đảm bảo tính nghiêm minh. Nếu không chứng minh được thì cần tịch thu tài sản đó.
Đại biểu Ngô Văn Minh nêu thêm, không nên kê khai tài sản đối với các đồng chí hưu trí. Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Minh đồng tình với đề nghị con chưa thành niên của các cán bộ, công chức phải kê khai tài sản. Ngoài ra, cần làm rõ việc con cái đi học nước ngoài bằng nguồn tiền nào?
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập trên thực tế vẫn còn hình thức, hiệu quả ngăn chặn tham nhũng là rất thấp.
“Ta mới chỉ kê khai đối tượng phải kê khai bao gồm tài sản của vợ chồng và của các con vị thành niên, nhưng những người khác liên quan tới đối tượng phải kê khai như con đã thành niên, bố mẹ anh chị em ruột thì không phải kê khai. Đây là một sơ hở về tài sản của các đối tượng phải kê khai, nếu có tài sản sẽ chuyển sang người thân của mình nắm giữ. Vì vậy phải mở rộng đối tượng phải kê khai…”, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên đề nghị.
Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên, trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Để làm tốt công tác kê khai minh bạch tài sản của các đối tượng gồm những người có chức vụ quyền hạn phải kê khai, thì ngoài phải kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của gia đình người đó, gồm vợ chồng, các con vị thành niên, còn phải kê khai minh bạch tài sản các con đã thành niên, của bố mẹ, anh chị em ruột và phải trung thực kê khai của mình với cơ quan quản lý.
Cơ quan quản lý sẽ thẩm định, xác minh theo quy định của pháp luật, nếu người kê khai không trung thực thì theo mức độ sẽ phải xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị phải xây dựng chế tài để buộc cán bộ, công chức phải kê khai tất cả tài sản thuộc sở hữu. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có quyền tịch thu những tài sản che giấu cố tình không kê khai.
Nếu cơ quan chức năng thấy việc kê khai của ai đó chưa trung thực thì hoàn toàn có quyền yêu cầu kê khai lại. Sau đó, có thể điều tra nguồn gốc và ra quyết định xử lý, tịch thu và sung công quỹ nhà nước nếu đó là tài sản bất minh. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, cần có biện pháp mạnh để chống hiện tượng tẩu tán tài sản.
Ý kiến bạn đọc