(VnMedia) - Trong khi nhiều ý kiến cho rằng mô hình kết hợp chợ - trung tâm thương mại tại Hà Nội đang thất bại, đồng thời là nguyên nhân phát sinh nhiều chợ tạm, chợ cóc thì lãnh đạo Thành phố vừa khẳng định, sẽ quyết tâm dẹp chợ tạm, chợ cóc và tiếp tục nghiên cứu, thiết kế mô hình kết hợp chợ - trung tâm thương mại…
>>Hà Nội vẫn quyết làm chợ - trung tâm thương mại
>>Nước mắt Chợ Dừa sau 7 năm "hiện đại hóa"
>>Chợ và những ý kiến không nên bỏ qua
>>Đìu hiu "chợ hiện đại" giữa lòng Hà Nội
>>Hà Nội xem lại việc chuyển chợ thành siêu thị
>>Chuyển đổi chợ: Bài học thành công từ Đồng Xuân, Bến Thành
>>Hiện đại hoá chợ Hà Nội bằng cách nào?
>>Quản lý chợ Hà Nội, học gì từ các nước
>>Những "dấu hỏi" cho bản quy hoạch chợ Hà Nội
>>Phá chợ xây siêu thị là "phú quý giật lùi"?
>>"Mẹ tôi 90 tuổi vẫn thiết tha chống gậy ra chợ"
>>Phải có mặc cả, trả giá mới là chợ
>>Xoá chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>Hà Nội sẽ không còn chợ?
Kiên quyết dẹp chợ cóc, chợ tạm
Ngày 14/8, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa phát đi thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu về định hướng quản lý, cải tạo chợ trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thị xã tập trung thực hiện kiên quyết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 197 Thành phố, không để chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động làm mất an toàn giao thông, gây mất vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị.
Thành phố hy vọng sau khi dẹp chợ cóc, chợ tạm, những cái "chợ" kiểu này sẽ đông khách |
Về mô hình thiết kế công trình hỗn hợp chợ gắn với Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…, ông Sửu giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Công thương dự thảo báo cáo của UBND Thành phố, gửi Bộ Xây dựng để được hướng dẫn.
Trước ý kiến cho rằng mức thuê sạp hàng của các tiểu thương khi chợ được xây dựng lại hoặc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là quá cao, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã cần xem xét kỹ phương án chuyển đổi để đảm bảo giá thuê chỗ kinh doanh sau khi chuyển sang doanh nghiệp - HTX quản lý phải phù hợp với khả năng chi trả của các hộ kinh doanh, không tăng đột biến quá cao so với giá thuê trước khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Đối với chợ nông thôn, ông Sửu yêu cầu đặc biệt quan tâm huy động nguồn lực xã hội quản lý, cải tạo chợ theo hướng "văn minh thương mại".
Đâu là “tội đồ”?
Việc dẹp chợ tạm, chợ cóc là chủ trương có từ nhiều năm nay của Thành phố nhưng trải qua nhiều cuộc ra quân vẫn không có được kết quả như ý. Đặc biệt, vài năm nay, kể từ khi một số chợ truyền thống được phá đi để xây lại theo mô hình kết hợp chợ - trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê (chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Mơ), thì ở quanh những khu vực này, tình trạng chợ tạm, chợ cóc, hàng rong… lại càng phát sinh mạnh mẽ.
Nói về hiện tượng này, nhiều người cho rằng, việc thiết kế, bố trí xây dựng chợ mới và tổ chức kinh doanh không phù hợp với văn hóa và khả năng tiêu dùng của đa số người dân Thành phố đã dẫn đến hiện tượng trên. Tuynhiên, trong một cuộc họp mới đây của Thành phố, nhiều ý kiến của lãnh đạo Quận, Sở, ngành và Thành phố… lại không hề nói đến nguyên nhân của việc phát sinh chợ tạm, chợ cóc.
Cái chợ cóc này phát sinh sau khi chợ Mơ bị phá đi để xây thành tòa nhà hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại - văn phòng - nhà ở 19 tầng |
Ngược lại, các ý kiến bảo vệ sự "văn minh" của việc kết hợp chợ - trung tâm thương mại đều cho rằng, chợ tạm, chợ cóc và hàng rong quá thuận tiện, đáp ứng “thói hư” của người Hà Nội là tiện đâu mua đấy chính là nguyên nhân khiến cho các chợ mới, các siêu thị, các trung tâm thương mại… ế khách.
Chính vì vậy, thay vì việc phải mổ xẻ kỹ sự thất bại của các mô hình chợ - trung tâm thương mại theo hướng văn hóa, giá trị kinh tế, hiệu quả đầu tư… để rút kinh nghiệm thì các vị lãnh đạo lại tập trung “mũi nhọn” vào việc dẹp chợ tạm, chợ cóc.
Ngoài ra, các vị lãnh đạo Thành phố, Ban, ngành, quận, huyện… cũng dành nhiều thời gian để nói về việc giải quyết những nhu cầu cũng như bức xúc của tiểu thương mà hầu như không nói về việc người dân sẽ đi chợ ở đâu cho thuận tiện, cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá cả thì vẫn “chịu được” trong thời buổi mà hết giá điện, giá xăng, giá khám chữa bệnh… đều tăng vùn vụt như hiện nay.
Duy nhất trong hội nghị có một ý kiến cho biết, người dân mong muốn chợ chỉ nên chuyển đổi thành… chợ!. Chỉ một câu nói rất đơn giản như thế, nhưng nó nói lên tâm tư nguyện vọng thực sự của cả người bán lẫn người mua.
Thế nhưng, tiếc thay, vị lãnh đạo Thành phố lại khẳng định, không ai phá một cái 3 tầng đi để làm một cái 3 tầng khác, làm như thế không xứng đáng và… không ai người ta làm thế!
Cứ phải to, phải đẹp, phải hoành tráng mới “xứng tầm”, tư duy này có lẽ cần xem lại bởi thực tế nhãn tiền: chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, sắp tới là chợ Mơ (19 tầng), xét về độ hoành tráng thì quả thật rất xứng, nhưng xét về hiệu quả thì chẳng cần phải nói thêm, ai cũng biết.
Đó là chưa kể đến việc các chuyên gia nước ngoài đã cảnh báo, việc dẹp chợ tự do, xây dựng hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại sẽ dẫn đến việc tập trung quyền lực phân phối hàng hóa vào tay một số ít ông chủ. Và khi đã không còn bị cạnh tranh bởi chợ truyền thống, chợ tạm hay chợ cóc, những ông chủ này rất có thể sẽ mua rẻ của nông dân, dán nhãn mác hàng hóa và phân phối theo các hệ thống siêu thị với giá cắt cổ. Đến lúc ấy thì cả nông dân lẫn người nghèo thành thị sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất. Còn đứng giữa hưởng lợi chính là các ông chủ giàu có.
Cũng phải công bằng mà nói thêm rằng, Phó Chủ tịch Thành phố có nhắc nhở chuyện đảm bảo giá thuê chỗ kinh doanh sau khi chuyển mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp - HTX quản lý phải phù hợp với khả năng chi trả của các hộ kinh doanh, không tăng đột biến quá cao so với giá thuê trước khi chuyển đổi. Thế nhưng, điều này thì chỉ nói cho vui mà thôi, bởi một khi việc quản lý chợ đã thuộc về tay các doanh nghiệp, và người ta đã "trót" xây cái chợ hoành tráng hiện đại như thế, thì liệu có thể thu ít tiền được chăng?
Vậy nên, chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại, chẳng cái nào có lỗi bởi mỗi mô hình đều có những ưu điểm của nó. Lỗi là ở những người quy hoạch chưa thật sự đặt lợi ích của người dân lên trên mà thôi.
Ý kiến bạn đọc