(VnMedia) - 2 cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép đầu tiên ở Hà Nội vừa được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc đáng kể cho 2 nút giao thông thường xuyên ùn tắc ở Thủ đô. Sau thông xe, lợi thế của cầu vượt nhẹ lại đang cho thấy những sai lầm trong quy hoạch của Hà Nội.
>>>>Cầu vượt nhẹ vừa thông, xe máy đã "làm loạn"
Hai cầu vượt tại ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà và Thái Hà – Láng Hạ được xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ vỏn vẹn mất gần 3 tháng với mức đầu tư khoảng 67 tỷ đồng mỗi chiếc. Các cây cầu này đều được xây dựng, lắp ghép bằng thép nhẹ, gồm 8 nhịp dầm thép có thể dễ dàng lắp ghép và di dời đến vị trí khác khi không hiệu quả.
Hơn một tuần lễ nay, sau khi được thông xe, việc đi lại của người dân qua các nút ngã tư này đã bớt ùn tắc hơn trước. Đặc biệt, ở hai hướng đầu cầu lên – xuống trên phố Tây Sơn – Tây Sơn và Láng Hạ - Láng Hạ, nhờ có các cây cầu này, việc người tham gia giao thông phải dừng chờ đèn đỏ hàng trăm mét trên phố như trước đây đã hết hẳn, bước đầu góp phần giải quyết ùn tắc tại hai ngã tư này.
Với những ưu thế vượt trội về giá thành, thời gian xây dựng, lại có thể dễ dàng lắp ghép và di chuyển khi cần thiết, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng "lên tiếng" cho rằng, 2 chiếc cầu vượt đang chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng trong quy hoạch xây dựng của Hà Nội, cụ thể là việc xây dựng một số cầu vượt: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch… trước đây.
Cầu vượt nhẹ ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà lúc nào cũng đông đúc sau khi thông xe. Ảnh: Ngọc Lân |
3 cây cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch được xây dựng từ năm 2005. Khi đó, cả 3 ngã tư này đều là điểm nóng về ùn tắc giao thông và với việc xây dựng thành công 3 cây cầu vượt khi ấy đã giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng trên.
Tuy nhiên, nếu như 2 cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép vừa mới được thông xe chỉ mất rất ít kinh phí và thời gian thi công rất ngắn thì cả 3 cây cầu: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch được đầu tư với tổng số vốn lên tới gần 5000 tỷ đồng, với kết cấu bê tông cốt thép đã khiến thời gian thực hiện kéo dài cả năm trời.
Có điều đáng tiếc là 3 công trình từng được coi là biểu tượng của Thủ đô này lại đang bị “đe dọa” bởi tính bền vững. Tại Hội thảo một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam được tổ chức sáng 17/6/ 2011, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng cho biết, Hà Nội đang tính chuyện xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề khó khăn là nếu xây dựng đường trên cao trên tuyến này thì sẽ giải quyết bài toán các cây cầu vượt như thế nào.
Theo ông Đạo, dọc tuyến hiện có 3 cầu vượt cho nên nếu xây dựng đường trên cao sẽ rất khó trong việc kết nối. “Nếu xây đường trên cao vượt qua các cây cầu vượt này thì chi phí sẽ rất tốn kém. Nối tiếp vào cũng không được. Hiện biện pháp được nhiều chuyên gia tính đến và được coi là tiết kiệm hơn cả là phá đi làm lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo cho biết.
Mặc dù, sau tuyên bố trên, lãnh đạo Hà Nội và Bộ Giao thông đã lên tiếng khẳng định sẽ không phá 3 cây cầu khi làm đường trên cao, nhưng TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường đại học Giao thông vận tải khi trao đổi với VnMedia đã nói: “Theo tôi, việc xây dựng đường trên cao trên tuyến vành đai 2 đoạn qua Ngã Tư Sở thì không vấn đề gì, vì đoạn này có thể tránh cầu vượt được. Còn cầu vượt Ngã Tư Vọng thì chắc chắn phải phá vì cao độ của cầu chỉ 4,5 mét, do đó không có biện pháp khác. Cầu Mai Dịch cũng phải phá nếu làm đường trên cao đến tuyến đó”
Đến nay việc xây dựng các tuyến đường trên cao dọc trục này chưa được triển khai nhưng để không phải phá bỏ 3 cây cầu, Hà Nội đã phải cân nhắc nhiều tháng trời để đưa ra phương án thiết kế tuyến đường hợp lý khi chạy qua 3 cây cầu. Tuy nhiên, chính điều đó cho thấy sai lầm của các nhà làm quy hoạch khi xây dựng 3 cây cầu này trước đây.
Giả sử trước đây cả 3 cây cầu này đều được lắp ghép bằng thép nhẹ thì khi cần thiết đã có thể dễ dàng di dời và các cơ quan chức năng cũng không phải “đau đầu” nghiên cứu phương án né cầu vượt nghìn tỷ.
Cầu vượt Ngã Tư Sở được xây dựng năm 2005 với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. |
Sau khi Hà Nội thông xe 2 cầu vượt nhẹ đầu tiên, Ts.TS Hồ Tuấn Sỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, nếu Hà Nội xây dựng cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép sớm hơn thì đã không tiêu tốn một khoản tiền lớn đến như vậy.
Theo TS Sỹ, cần phải xem xét vấn đề là tại hai vị trí giao cắt này, nếu đầu tư cầu vượt nhẹ, chi phí chắc chắn sẽ tiết kiệm được ít nhất 60-70% tổng vốn đầu tư. Có nghĩa rằng, với tổng mức đầu tư cho 2 cầu vượt Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng thời điểm trước đây, Hà Nội có thể xây được ít nhất 15 cầu vượt nhẹ như 2 cầu vượt vừa hoàn thành. Hơn thế nữa, giao thông Hà Nội trong 5 năm qua đã không chịu cảnh ùn tắc nghiêm trọng như trên thực tế.
"Nếu 2 cầu này được xây dựng theo kết cấu bán lắp ghép, thì câu chuyện đập bỏ khi qui hoạch đường vành đai 2 đã không ồn ào như hồi tháng 6/2011, khi rộ lên thông tin phá bỏ 3 cầu vượt ở Hà Nội lãng phí hàng nghìn tỷ", ông Sỹ cho biết.
Trao đổi với VnMedia sáng 3/5 về hiệu quả của 2 cây cầu vượt nhẹ vừa thông xe, PGS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho biết, các cây cầu vượt nhẹ này vẫn có thể làm lớn và rộng hơn nữa, chịu được tải trọng của xe lớn hơn nữa nếu tiết diện lòng đường rộng hơn.
Theo PGS Hùng, nếu 2 cây cầu được làm rộng hơn, lớn hơn chắc chắc sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông tại các điểm xây dựng cầu tốt hơn và tiền dùng để đầu tư xây dựng cũng sẽ rẻ hơn.
“Rõ ràng, nếu đem so sánh về hiệu quả của 2 cây vượt nhẹ vừa mới thông xe so với 3 cây cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch đã xây dựng trước đây đều cho thấy hiệu quả rẻ hơn, thời gian thi công cũng nhanh hơn và dễ lắp đặt, di chuyển hơn”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, với các cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở trước đây cũng chỉ là những chiếc cầu tạm, giải quyết vấn đề trước mắt cho nên đáng ra cũng chỉ nên làm những cây cầu có tính lắp ghép nhẹ.
“Vấn đề là tính toán kết cấu của cây cầu sao cho phù hợp. Nếu thiết kế hợp lý, cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép vẫn có thể dùng lâu dài nhưng chỉ có khó khăn duy nhất là phải bảo dưỡng thường xuyên”, PGS Hùng nói.
PGS Hùng cho rằng, để giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, phải kết hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Tuy nhiên, việc xây dựng những cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép ở một số điểm ngã tư ùn tắc cục bộ cũng nên cân nhắc.
Ý kiến bạn đọc