(VnMedia) - “Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm 1 cách quá nghiêm trọng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói về vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng).
Xung quanh vụ cưỡng chế đất đai gây bức bối dư luận cả nước tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) thời gian qua, chiều 6/2, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc đối thoại trực tuyến với một số khách mời. VnMedia trích đăng một số ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên đại biểu quốc hội khóa X tại buổi giao lưu.
- Theo ông, đâu là lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm 1 cách quá nghiêm trọng của các nhà chức trách. Người ta cảm nhận là một cấp chính quyền cường quyền đối với 1 sự việc không quá phức tạp nhưng nhà chức trách đã vi phạm đến các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách mang tính cách cường hào nên đã gây phẫn uất trong nhân dân cả nước cần phải được xử lí một cách nghiêm túc.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Theo hình ảnh trên báo chí thì đây là một căn nhà khá kiên cố (có hình ảnh, bên cạnh lại có máy xúc). Một “cái chòi” như vậy thì việc gì phải huy động cả 1 chiếc xe xúc như vậy? Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn thuộc về bản chất như Bác Hồ đã dạy: “Không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”, thế thì nếu chỉ là một “cái chòi” thì cũng là vi phạm đến bản chất của quân đội, công an. Tôi không hiểu đồng chí Giám đốc Công an trả lời như vậy đúng hay sai? Xin để công luận và ngành công an trả lời.
- Ông đánh giá như thế nào về sự khác nhau “chan chát” trong những phát biểu của chủ tịch Xã, UBND huyện Tiên Lãng và lãnh đạo Hải Phòng?
Tôi đọc thông tin trên mạng không hiểu các cán bộ xã, huyện và thành phố lại trả lời 1 cách bất nhất như thế này. Thậm chí có những ý kiến còn “mạt sát” việc làm của những con người lao động đã vượt bao khó khăn để tạo ra của cải cho mình và cho đất nước không khác gì người thường gọi là “ăn cháo đái bát”. Việc làm sai rành rành lại đổ lỗi cho dân, không thấy được sai phạm nghiêm trọng của mình lại phê phán cả giới báo chí khi phản ảnh tình hình một cách vô trách nhiệm, thiếu trung thực.
Rõ ràng, ở đây có một sự ngụy biện để tránh né trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ rằng, những người dân chân chính tại địa phương sẽ giúp chúng ta làm rõ sự việc một cách khách quan và ai sai phạm cần phải nghiêm trị để giữ vững kỉ cương, phép nước, đồng thời lấy lại lòng tin của nhân dân.
Vụ cưỡng chế đất tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã gây bức xúc dư luận cả tháng nay. |
- Vụ việc cưỡng chế đất đai với Đoàn Văn Vươn xảy ra, cho tới nay, có một số quan điểm cho rằng, chính việc chính quyền hành xử vừa không đúng luật, không có tình, khi đập nát nhà người dân ngay trước dịp Tết là nguyên nhân xảy ra sự bùng nhùng trên. Ông nói sao về điều này?
Có thể nói rằng vụ Tiên Lãng không chỉ riêng tôi, mà còn hàng triệu người dân đều quan tâm đến vì một lẽ, cấp ủy chính quyền vừa vi phạm luật đất đai, hành động đó vừa vi phạm đến quan điểm đường lối của Đảng, cấp chính quyền mang tính cường quyền, áp đặt đối với dân. Cho nên có thể nói rằng việc này đã gây bức xúc căm phẫn trong nhân dân, khi xâm phạm đến quyền lợi của nhân dân, đập phá nhà của người ta.
Tôi thực sự thấy kì lạ là đã trên 20 năm đổi mới của Đảng mà vẫn có một chính quyền cấp huyện hành động như vậy thì không thể chấp nhận được. Nếu cả nước mà nhiều vụ như thế này thì tình hình chính trị đất nước sẽ như thể nào, lòng dân sẽ ra sao? Và kẻ địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc bản chất của chế độ ta. Mong các cấp chính quyền hãy ra tay giải quyết một cách triệt để, lấy lại lòng tin của nhân nhân.
- Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã vào cuộc muộn trong vụ việc này. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Tuy có muộn nhưng tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính Phủ đã nghe ý kiến của dân, phản ánh của báo chí, nhiều kiến nghị của các cán bộ lão thành, của các giới trên cả nước là một quyết định đúng đắn. Nhưng sự việc này lại hết sức nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà nếu không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của đất nước.
Bởi lẽ, trên 70% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, sự việc nếu không giải quyết tới tận gốc mà theo tôi trước hết là sai phạm của chính quyền địa phương gây ra hậu quả nghiêm trọng trên các mặt. Giải quyết tốt sẽ để lại niềm tin của nhân dân và ngược lại. Mong rằng Thủ tướng sẽ lắng nghe một cách toàn diện trên các khía cạnh, các ý kiến phản biện để có 1 quyết định chính xác được toàn dân hoan nghênh.
"Trong 2 quyết định giao đất của UBND huyện cho ông Đoàn Văn Vươn đều ghi rõ là giao đất để nuôi trồng thủy sản. Như vậy, sau khi giao, đất đó là đất đã đưa vào sử dụng và thuộc loại đất nuôi trồng thủy sản, thuộc nhóm đất nông nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành luật đất đai, việc thu hồi đất nông nghiệp chỉ được thực hiện trong 5 trường hợp: (1) Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch (thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP); (2) Thu hồi khi không có người thừa kế; (3) Thu hồi khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại; (4) Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất; (5) Người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng ngay sau từ 12 cho tới 24 tháng tùy theo từng loại đất; không có trường hợp thu hồi đất nông nghiệp khi hết thời hạn. Như vậy, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng chắc chắn là sai pháp luật", Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về vụ cưỡng chế. |
Ý kiến bạn đọc