Chuyển nhượng V-League 2014: Quá ít hiệu quả!

09:39, 26/04/2014
|

(VnMedia) - Kết thúc lượt đi V-League 2014, có quá ít những tân binh chứng tỏ được năng lực xứng đáng với số tiền các câu lạc bộ bỏ ra để trả lương và tiền lót tay cho mình.

V-League như phiên bản mắc "lỗi"


Thời điểm kinh tế lạm phát đã ảnh hưởng đến túi tiền các đội bóng dự tranh V-League 2014. Nhiều đội bóng đứng trước bờ vực giải thể khi V.Ninh Bình bỏ V-League không đơn thuần chỉ vì 9 cầu thủ dính vụ dàn xếp tỉ số tại AFC Cup 2014. Nhiều người trong nghề chia sẻ bầu Trường mấy năm nay khó khăn tài chính lại phải nuôi đội bóng V.Ninh Bình. Sau một mùa giải liên tục dọa giải thể đội bóng, bầu Trường đã làm thật sau khi có cớ cầu thủ dính vụ bán độ.

Hoặc đội tân binh An Giang đứng trước nguy cơ bỏ giải khi cảm giác bị đối xử bất công sau sự kiện V.Ninh Bình rút lui. Quan điểm câu lạc bộ phương Nam là V-League 2014 không có thêm đội rớt hạng khi có đội bỏ giải giống như mùa năm ngoái. Nhưng lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn Công ty cổ phần bóng đá VPF đều bảo lưu quan điểm kể. Khó khăn tài chính lẫn áp lực thành tích khiến giám đốc điều hành Võ Hoàng Phong và huấn luyện viên Nhan Thiện Nhân nộp đơn xin nghỉ lên lãnh đạo tỉnh An Giang cũng xoay quay vấn đề tiền bạc.

Ảnh minh họa

An Giang (vàng) tính bỏ giải giữa chừng như V.Ninh Bình khiến hình ảnh V-League
ngày càng giống giải phong trào hơn là giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam

Bối cảnh V-League có nguy cơ vỡ trước việc các đội thi nhau rút lui, số phận các cầu thủ như "mành chỉ treo chuông". Số cầu thủ V.Ninh Bình, An Giang có nguy cơ ra đường vì đội nhà giải thể cũng đặt áp lực ngược tính chuyên nghiệp giải nhà nghề Việt Nam do VFF, VPF quản lý. Chưa khi nào sự sống còn giải đấu bị đặt dấu hỏi lớn mức này khi tư duy làm bóng đá ở ta vẫn mang tính phong trào, thích thì bỏ vẫn ăn vào trong máu.

Cảm giác sau 14 năm ra đời, V-League vẫn như một phiên bản mắc lỗi, càng chỉnh sửa lại càng nhiều hư hỏng, lỗi hệ thống xuất hiện. Chưa từng có tiền lệ bỏ giải giữa chừng trong quá khứ, khi K.Khánh Hòa, N.Sài Gòn, Hòa Phát Hà Nội... dù bức xúc thể nào vẫn chỉ nghỉ chơi khi mùa giải kết thúc. Còn hai mùa vừa qua Sài Gòn.XT rồi V.Ninh Bình bỏ giải cũng cho thấy ý thức hệ và tính chuyên nghiệp các ông bầu ta xuống thấp thế nào.

Đấy là bi kịch khi 2 năm qua hơn 200 cầu thủ rơi cảnh thất nghiệp, không dưới 10 đội bóng giải thể hay bỏ giải như hồi chuông báo động sự thụt lùi cả nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Chuyển nhượng V-League: Chỉ toàn "hàng dỏm"

Kết thúc lượt đi mùa này, đa số các đội bóng đều thất vọng trước phong độ yếu kém các tân binh lần đầu đến thi đấu. Cảm tưởng rằng sau thời gian mở cửa cho ngoại binh, các đội dự V-League đều hết duyên với cầu thủ ngoại.

Như SHB.Đà Nẵng bổ sung chân sút Bojan Mamic đá cặp tiền đạo cùng Merlo, nhưng cầu thủ Serbia là nỗi thất vọng thật sự. Đá vai trò trung phong nhưng Mamic quá kém cỏi trong việc chớp cơ hội. Chỉ ghi được 3 bàn từ đầu mùa dù nhiều lần đá chính, Mamic bị SHB.Đà Nẵng thanh lý sau 4 tình huống ngon ăn bỏ lỡ trước cầu môn Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 12 vừa qua.

Đội Hải Phòng cũng mua chân sút Brazil Lucas Gaucho vốn từng là tuyển thủ U20 Brazil. Tân binh An Giang tuyển mộ cầu thủ Sidou Dosso từng đá tại giải Israel, Hungary... nhưng cầu thủ Bờ Biển Ngà chơi mờ nhạt trong mùa đầu tiên đến Việt Nam. Tân binh QNK.Quảng Nam thất vọng tân binh Yahaya, dù đầu mùa cầu thủ gốc Phi chơi ấn tượng các giải tập huấn.

Ảnh minh họa

Việc V.Ninh Bình bỏ giải như "mỏ vàng" ngoại binh để các câu lạc bộ còn lại
xâu xé khi thị trường chuyển nhượng mùa này thiếu những tân binh sáng giá

Trong khi đó, một số tân binh mới như Ogbuke (Hoàng Anh Gia Lai), Guilherme (Sông Lam Nghệ An), Olivera (Đồng Nai), Valentic (SHB.Đà Nẵng)... phần nào chứng tỏ được tài năng xứng đáng số tiền các câu lạc bộ bỏ ra. Có lẽ V.Ninh Bình là đội có nhiều tân binh ra mắt ấn tượng nhất với Sim Woo Sub, Petrisor Voinea.

Nhưng việc đội bóng bị giải tán trở thành "mỏ" cầu thủ ngoại để các đội khai thác trong bối cảnh V-League khan hiếm cầu thủ ngoại chất lượng. Như Sông Lam Nghệ An lấy chân sút Voinea chơi cực hay tại AFC Cup với 3 bàn thắng và có bản CV hoành tráng, từng tập cho đội Livorno đá tại Serie A. Đội đầu bảng Thanh Hóa cũng mượn hai ngoại binh nhập tịch Đinh Văn Ta, Hoàng Vissai để nâng số ngoại binh nhập tịch của mình lên 4 người. Đồng Tâm Long An cũng tuyển mộ tiền đạo Oseni vốn người cũ của Hoàng Anh Gia Lai ở mùa năm ngoái.

Chuyển nhượng giữa mùa hấp dẫn xoay quanh một số cái tên nội ngoại binh nổi bật như Tấn Tài, Quang Hải (Hải Phòng), Patiyo, Kavin, Phước Tứ, Văn Thắng, Danh Ngọc (V.Ninh Bình). Các đội mong muốn bổ sung nhân sự để hoàn tất mục tiêu vô địch hay trụ hạng vào cuối mùa. Nhưng có lẽ phương án tuyển cầu thủ ngoại vài mùa đá V-League sẽ an toàn, đáng tin cậy hơn thử việc tân binh mới vào lúc này.  


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc