(VnMedia) - Liên quan đến vụ dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử tại Hà Nội, theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của thí sinh và hai người bên ngoài trợ giúp có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục...
Công an đã phát hiện đối tượng dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử
Trước đó, sáng 4/7, trong khi thí sinh đang làm bài thi môn Sử, ở một quán cà phê trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Đội an ninh công an quận Cầu Giấy phối hợp với đội 113 công an quận đã lập biên bản và bắt giữ hai người có dấu hiệu đọc bài làm môn Sử vào phòng thi cho thí sinh.
Hai người này cho biết, một thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào trong phòng thi nên có thể trao đổi được với người bên ngoài. Sau khi biết đề, hai thanh niên đã giải và đọc vào trong phòng thi cho thí sinh.
Thí sinh được nhóm này đọc lời giải từ ngoài vào là T.L (quê ở Vĩnh Phúc), đang dự thi tại điểm trường Cao đẳng Sư phạm trung ương, thuộc cụm thi Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì.
Theo cơ quan công an, đọc lời giải vào phòng thi cho thí sinh là một nữ sinh Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và một thanh niên ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Công an quận Cầu Giấy đã lập biên bản, yêu cầu hai người về trụ sở làm việc.
Bước đầu, nữ sinh Đại học Quốc gia khai nhận là bạn thời THPT với thí sinh Lê. 7h sáng 4/7, cô có mặt tại quán cà phê trên đường Trần Quốc Hoàn để đọc bài cho thí sinh như đã hẹn. Khi nữ sinh đọc đến câu thứ ba thì bị phát hiện, bắt giữ. Còn theo lời khai của nam thanh niên quê Vĩnh Phúc, anh ta với thí sinh L cũng là bạn THPT. Đây là lần thứ hai anh ta hỗ trợ cho L làm bài, lần thứ nhất vào ngày 2/7. Ở môn Sử, anh ta đọc cho thí sinh L. nghe còn nữ sinh Đại học Quốc gia chịu trách nhiệm soạn câu trả lời.
Sau một ngày làm việc tại cơ quan điều tra, ngày 5/7 những người liên quan đến vụ việc nói trên đã được cho về nhà. Cơ quan công an cho biết, sở dĩ cho những người liên quan về là do xét nhân thân đều tốt, người thân có đơn xin bảo lãnh nên cơ quan công an quyết định cho 3 người viết cam đoan, cam kết rồi bàn giao cho gia đình quản lý.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với VnMedia , luật sư Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của thí sinh đang làm bài thi và 2 đối tượng bên ngoài đang trợ giúp giải đề Sử đưa vào trong cho thí sinh làm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được qui định tại Nghị đinh 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGD ngày 05/3/2012 .
Theo đó, thí sinh dự thi và 2 đối tượng đọc bài và đưa vào trong cho thí sinh sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm qui định về thi theo Nghị đinh 138/2013/NĐ-CP: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
Thí sinh dự thi còn phải bị xử lý theo Điều 41 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGD là Đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác; Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;
Thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của Uỷ viên phụ trách điểm thi; phải nộp bài làm và đề thi cho CBCT và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài môn đó; không được thi các môn tiếp theo; không được dự các đợt thi kế tiếp trong năm đó tại các trường khác.
Ngoài ra, 2 đối tượng làm bài hộ, nếu đang là sinh viên học tai các Trường Đại học, Cao đẳng,.. sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật của cơ sở giáo dục nơi đang học theo quy chế của Nhà trường. Các hình thức xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, tạm đình chỉ học và nặng nhất là buộc thôi học
Trả lời câu hỏi: Có một số ý kiến cho rằng, hành vi của các đối tượng có cấu thành tội làm lộ bí mật nhà nước không? Luật sư Thơm cho biết, Tội làm cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được qui định tại Điều 263 BLHS
Danh mục bí mật Nhà nước trong ngành giáo dục được quy định tại Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 07/02/2005 “ Đề thi, đáp áp các kỳ thi tuyển sinh, thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố”
Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT là danh mục bí mật nhà nước nhưng phải thỏa mãn điều kiện chưa được công bố, nghĩa là chưa được mở ra và đang được lưu giữu theo qui định bảo mật đến trước khi công bố cho thí sinh làm bài thi.
"Trong vụ việc này, đề thi đã được mở ra cho tất cả các thí sinh và mọi đối tượng liên quan trong hội đồng thi thì không còn được coi là bí mật nhà nước. Mặt khác, chủ thể của tội này là phải là người có trách nhiệm biết về bí mật nhà nước như: Người có thẩm quyền quản lý, Người ra đề thi, người trông giữ, vận chuyển đề thi,…", ông Thơm nói.
Do đó, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này không có dấu hiệu Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo Điều 263 BLHS .
Ý kiến bạn đọc