(VnMedia) - Hầu hết các ý kiến đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quy định bỏ án tử hình đối với người trên 70 tuổi phạm tội, bởi nếu bỏ án tử hình đối với tội phạm này sẽ không phù hợp với thực tiễn...
>> Cần minh bạch về quản lý ngân sách Nhà nước
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển
>> Trưng cầu ý dân phải tiến hành trên toàn quốc
>> Không công bằng khi bỏ án tử hình tội tham nhũng
>> Kết luận sai, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm
Quốc hội làm việc tại hội trường
Sáng 16/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu đề nghị không bỏ án tử hình đối với người trên 70 tuổi phạm tội, tội tham nhũng, tội phạm chiến tranh...
Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vẫn chịu án tử hình
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên), những trường hợp người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn phải chịu hình phạt tử hình.
“Tôi cho rằng người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và như vậy có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp hay không”, đại biểu Dung nói.
Đại biểu Dung phân tích, một số năm gần đây, trong một số vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người từ 70 tuổi trở lên.
Ví dụ, bị cáo Huỳnh Văn Siêng, sinh năm 1943 trú tại Giồng Trôm tỉnh Bến Tre phạm 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là 2 bé gái sinh năm 2000; Bị cáo Lê Đức Mỹ, 82 tuổi, trú tại thành phố Tây Ninh, phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng; Bị cáo Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam Định phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của bị cáo...
“Nếu quy định như dự thảo luật thì người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm bất kỳ tội phạm nào cũng được miễn hình phạt tử hình và như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội chống loài người, tội phạm chiến trạnh được miễn áp dụng hình phạt tử hình lại càng phải hết sức cân nhắc và cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này trong xây dựng Bộ luật Hình sự”, đại biểu Dung ý kiến.
Đồng quan điểm với đại biểu Dung, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc không áp dụng thi hành hình phạt tử hình đối với người trên 70 tuổi cũng nên cân nhắc kỹ.
“Tôi đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh mà cơ quan soạn thảo đã đề xuất, tuy nhiên riêng với việc mở rộng đối tượng không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người cao tuổi trên 70 tuổi, theo tôi nên cân nhắc kỹ quy định này. Người già là người được kính trọng trong xã hội, người già là tấm gương để con cháu noi theo nhưng thực tế hiện nay người già vi phạm các tội nghiêm trọng chiếm tỷ lệ nhất định, đặc biệt các tội đặc biệt nghiêm trọng nếu bỏ hình phạt tử hình đối với các đối tượng này chưa phù hợp với thực tiễn”, đại biểu Nguyệt nêu ý kiến.
Đại biểu Giàng Thị Bình (Đoàn Lào Cai) cho rằng: Hiện nay tuổi thọ của người Việt Nam có chiều hướng tăng cao, trên thực tế có nhiều người ở tuổi ngoài 70 vẫn phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
“Nếu quy định không áp dụng không thi hành hình phạt tử hình đối với người phạm tội, người bị kết án tử hình từ 70 tuổi trở lên cũng phải có những căn cứ hết sức chặt chẽ, nếu không pháp luật sẽ dễ bị lạm dụng”, đại biểu ý kiến.
Bỏ án tử hình tội tham nhũng là dung túng, bao che
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Đoàn Bình Thuận), tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, tham nhũng là quốc nạn, là lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, do đó không thể cho tội phạm tham nhũng dùng tiền đổi mạng.
Điểm c, Khoản 3, Điều 39 ghi: Người bị kết án tử hình về các tội danh có mục đích kinh tế sau khi kết án mà chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình.
Đại biểu Niễn cho rằng, nếu như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác. “Sẽ tạo kẽ hở để tội tham nhũng, có thể lợi dụng dùng tiền để đổi mạng, làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng”, đại biểu Niễn bức xúc.
Theo đại biểu Niễn: “Để ngăn chặn loại bỏ quốc nạn này lý ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại, chúng ta có thể cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tài sản cho những vụ án tham nhũng, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý, vì tiền, khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng bằng việc giảm hình phạt tù thay bằng nộp tiền để khắc phục hậu quả. Áp dụng điều luật này khác gì bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn và nhân dân chắc chắn sẽ không tha cho chúng ta”.
Ý kiến bạn đọc