Mua bán hóa đơn "khủng", moi tiền Nhà nước tinh vi

06:51, 16/06/2015
|

(VnMedia) - Các đối tượng dùng thủ đoạn rất mới là hoạt động khép kín, không mua, bán hóa đơn với nhiều doanh nghiệp khác. Bởi vậy việc phát hiện vi phạm rất khó khăn...

Chưa bao giờ các doanh nghiệp lại dùng đủ mọi thủ đoạn để lách thuế, trốn thuế, chiếm dụng vốn Nhà nước như hiện nay. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách thông thoáng của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bộc lộ nhiều  vấn đề nhưng chưa được xử lý triệt để. Và không ít đối tượng tìm “lỗ hổng” để trục lợi.

Ảnh minh họa
Nguyễn Thị Dậu tại trại giam số 1

Thành lập "công ty ma” moi tiền Nhà nước

Tiếp xúc với phóng viên trong Trại tạm giam số 1 (Công an thành phố Hà Nội), Nguyễn Thị Dậu, bị can trong vụ án hình sự "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua, bán trái phép hóa đơn Giá trị gia tăng" tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc, mặt cúi gằm trước điều tra viên. Dậu khai: Bắt đầu bán hóa đơn từ năm 2010. Bán cho công ty nào không nhớ. “Biết sai  rồi, sớm hiểu thế này thì không dám vi phạm cho khổ!”, Dậu thờ dài.

Lê Văn La, chủ mưu trong vụ này thì… ngây thơ: Nhận thức của tôi là tôi không hiểu hết pháp luật vì cứ nghĩ 10% thuế VAT giả đầu kia coi như đã hoàn thành. Giờ mới biết là mình không hiểu hết pháp luật...

Vụ án hình sự "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc (có 29% vốn nhà nước) đang xôn xao dư luận. Lê Văn La, nhân viên công ty này, bị khởi tố về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua trái phép hóa đơn Giá trị gia tăng"; Nguyễn Thị Dậu, đồng phạm của La, bị khởi tố về hành vi "Bán trái phép hóa đơn Giá trị gia tăng" và hiện vụ án vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Hồ sơ của Cơ quan công an cho thấy, La phối hợp với Dậu thành lập 8 doanh nghiệp "ma" để bán hóa đơn  Giá trị gia tăng (VAT) nhằm hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho La. Còn La chịu trách nhiệm liên hệ với khách hàng là Công ty khai thác Mỏ tại Quảng Ninh có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng.

Nguồn hàng do La cung cấp cho các công ty này là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường, sau đó được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Chiêu trò của La, Dậu là mượn chứng minh thư nhân dân và xin phép đăng ký kinh doanh để thành lập các công ty “ma”. Khi có tư cách pháp nhân, các công ty này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng nhỏ; đồng thời, mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa đầu vào.

Từ năm 2010 đến năm 2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỷ đồng cho các công ty “ma” của Nguyễn Thị Dậu. Sau đó, Dậu đến ngân hàng rút tiền, giữ lại 5-10% (tiền hoa hồng đã thỏa thuận với La) rồi chuyển lại 90-95% tiền Công ty Việt Bắc vào tài khoản của La.

Hoạt động khép kín, khó khăn cho cơ quan điều tra

Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết: Vụ án này có một nét riêng và thủ đoạn rất mới so với các vụ án khác là ở hoạt động khép kín, không mua, bán hóa đơn với nhiều doanh nghiệp khác.

Tất cả các chu trình từ khi thành lập công ty để mua bán hóa đơn chỉ bán cho đơn vị có nhu cầu là Công ty xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc do Lê Văn La làm nhân viên trực tiếp. Bởi vậy việc phát hiện vi phạm rất khó khăn.

“Dậu còn thuê một nhân viên, có quan hệ với La, làm nhiệm vụ duy nhất là kê khai đầu vào, đầu ra cho 8 công ty “ma” có hoạt động kinh doanh nhưng thực chất là khống, không có hàng hóa; tiền thuế nộp hàng tháng chỉ dăm ba triệu để che mắt cơ quan thuế. Mạng lưới “ma” này mua bán, sử dụng hóa đơn VAT rất tinh vi.

Chúng phân công một nhóm tìm các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu hợp lý hóa mua các hóa đơn không rõ nguồn gốc; nhóm khác chuyên khởi tạo các hợp đồng kinh tế; một nhóm chuyên làm các báo cáo thuế và một nhóm chuyên thông qua các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền Nhà nước”, Thượng tá Thắng cho hay.

Bà Bùi Thị Mai Vân, Trưởng Phòng Kiểm tra thuế số 2, Cục Thuế Hà Nội, đơn vị trực tiếp phát hiện những dấu hiệu sai phạm tại Công ty Mỏ Việt Bắc cho biết: Khi tiến hành kiểm tra thuế trước khi đóng mã số thuế để Công ty Mỏ Việt Bắc tái cơ cấu theo quy định Chính phủ, doanh nghiệp này cho biết đã làm thất lạc phần mềm kê khai thuế nhằm gây khó khăn cho công tác xác minh của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, các cán bộ thuế đã đã cùng các nhân viên của doanh nghiệp lập lại toàn bộ hồ sơ khai thuế bằng phần mềm dựa trên hồ sơ lưu trữ của cơ quan thuế. Từ đó, Cục thuế Hà Nội đã sử dụng phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn và phát hiện đơn vị đều mua hàng của các doanh nghiệp bỏ trốn.

“Nhiều câu hỏi nghi vấn đã lập tức được đặt ra là vì sao doanh nghiệp này chỉ mua của những doanh nghiệp sau 2 năm lại bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh và hàng hóa vật tư mà doanh nghiệp này mua chỉ bán trong nội bộ ngành thì liệu có sự câu kết ở đây?

Từ những nghi vấn ban đầu này, Cục Thuế Hà Nội đã tiền hành xác minh và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong quá trình thu thập chứng cứ để xử lý vụ việc theo đúng pháp luật”, Bà Vân cho biết thêm.

>> còn tiếp


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc