Internet: "tội đồ" cho tội phạm tung hoành

14:59, 24/10/2014
|

(VnMedia) - Sử dụng công nghệ cao, mạng Internet, các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm với tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt... có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước

Sau hơn 1 tháng lập án và theo dõi, tại địa bàn xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý BĐBP Nghệ An, Đồn Biên phòng Thông Thụ phối hợp với Công an huyện Quế Phong và Trạm CSGT Diễn Châu vừa bắt đối tượng buôn người, kịp thời giải cứu 3 nạn nhân.

Đối tượng bị bắt là Lê Thị Hằng (SN 1988) quê quán xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, trú tại Phù Liêu - Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đang trên đường đưa 3 nạn nhân là Lương Thị Q.T., Quang Thị An và Lương Thị M. từ Nghệ An ra Quảng Ninh để đưa sang Trung Quốc bán.

 Ảnh minh họa

 Hai đối tượng Hoa và Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Hà Tĩnh điện tử


Qua lời khai ban đầu của đối tượng, với chiêu bài lừa các cô gái đi làm ăn ở Trung Quốc với mức lương cao, cuộc sống nhàn hạ, Hằng đưa số điện thoại cho các nạn nhân và dụ dỗ sang Trung Quốc làm ăn, nếu gọi được thêm người đi cùng sẽ cho thêm tiền.

Để tạo niềm tin, mỗi người nhận lời đi theo, Hằng sẽ đưa trước cho gia đình nạn nhân từ 5 - 6 triệu đồng và hứa khi sang đến Trung Quốc, mức lương hàng tháng sẽ là 20 triệu đồng.

Theo ngày, giờ thoả thuận, 3 nạn nhân được Hằng đưa từ Nghệ An ra Quảng Ninh trên chuyến xe BKS 38N-3438 của nhà xe Sơn Mỹ, hành trình Hà Tĩnh - Hà Nội. Khi đi đến địa bàn xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thì bị bắt giữ. Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ đối tượng Lữ Thị Hoa (SN 1968) trú tại Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, là đối tượng đồng phạm trong chuyên án.

Hiện, vụ án đã được BĐBP Nghệ An hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ buôn bán phụ nữ được lực lượng chức năng khám phá thời gian gần đây.

Theo đánh giá của Bộ Công an, Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg, ngày 18/8/2011 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015. Với vai trò là Cơ quan Thường trực, Bộ Công an đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, trên cả nước xảy ra 507 vụ, lừa bán 982 nạn nhân (tăng 4% số vụ, 11% số nạn nhân so với năm 2012). Trong 6 tháng đầu năm 2014, trên cả nước xảy ra 301 vụ, lừa bán 651 nạn nhân (tăng 16% số vụ, 31% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2013). Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh tại TP. Hồ Chí Minh (bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương…), gây tâm lý lo lắng, bất bình trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do: Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm chỉ đạo đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa tạo được phong trào rộng khắp và thu hút được nhân dân tích cực tham gia nên hiệu quả chưa cao. Công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả còn hạn chế. Công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao. ông tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, nhất là chưa tạo được cơ chế phối hợp thống nhất, đồng bộ trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân. ệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người còn nhiều bất cập. Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan, sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Phân tích về xu hướng tội phạm mua bán người trong thời gian tới, các chuyên gia tâm lý tội phạm học cho rằng, tình trạng tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc, nạn nhân và đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng mang tính chất xuyên quốc gia, toàn cầu hoá. Hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như: ma tuý, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm... thông qua các hành vi đưa người đi lao động nước ngoài, kết hôn, cho nhận con nuôi, thăm thân, du lịch, thương mại, mua bán nội tạng, bắt cóc phụ nữ, trẻ em.

Nạn nhân không chỉ là phụ nữ trẻ em mà còn có cả nam giới, đối tượng bán thường là người Việt Nam, đối tượng mua là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc