Những Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014

17:20, 01/07/2014
|

VnMedia)- Từ ngày 1/7/2014, Luật Đất đai (sửa đổi),  Luật tiếp công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa

Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003 và có một số điểm mới đáng chú ý.

Thứ nhất, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất (vấn đề bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp….), đồng thời, bổ sung quy định về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất và đất được giao để quản lý.

Thứ hai, bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá đất đai. Việc quy định bổ sung này nhằm khắc phục bất cập của công tác điều tra là chủ yếu điều tra về số lượng đất. Trong khi điều tra chất lượng đất là cơ sở để khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững. Điều tra cơ bản về đất đai sẽ giúp Nhà nước vừa “nắm” chắc vừa “quản” chặt và khai thác, sử dụng đất đai khoa học, hiệu quả hơn.

Thứ ba, quy định cụ thể, rõ ràng việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong diện quy hoạch.

Thứ tư, xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện nhằm tạo điều kiện thuận cho việc triển khai trên thực tế, đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.

Thứ năm, làm rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện quy định thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Quy định cụ thể về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội. Bổ sung quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở và làm rõ vấn đề bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Thứ sáu, quy định đầy đủ, rõ ràng các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

Thứ bảy, đảm bảo quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận và bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Luật bổ sung một mục mới quy định về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: điều kiện chung để thực hiện giao dịch các quyền của người sử dụng đất, điều kiện được bán tài sản gắn liền với đất, điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất...

Thứ tám, quy định đầy đủ vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường; Mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đồng thời thể hiện đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng hình thức sử dụng đất;
Thứ chín, quy định về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và đảm bảo dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Luật Tiếp công dân 2013

Luật Tiếp công dân với 9 chương, 36 điều quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan còn có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy có một số điểm mới nổi bật: Quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (gồm tư vấn thiết kết, thẩm định, giám sát, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, thi công, lắp đặt….); Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ; Quy định thống nhất  số điện thoại báo cháy nổ trong cả nước; Quy định cụ thể trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư; Chế độ, chính sách đối với những người tham gia phòng cháy, chữa cháy; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy…

Luật đấu thầu (sửa đổi)

Thay thế Luật đấu thầu 2005, Luật đầu thầu năm 2013 bao gồm 13 chương, 96 điều và có một số điểm mới nổi bật, cụ thể:

Thứ nhất, ưu tiên phát triền nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, đồng thời, giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, Luật đấu thầu 2013 quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Đối với phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (điều 39, điều 40, khoản 1 điều 50) gồm: Phương pháp đánh giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; phương pháp đánh giá cố định; phương pháp giá dịch vụ; phương pháp vốn góp của Nhà nước; phương pháp lợi ích xã hội; lợi ích nhà nước và phương pháp kết hợp. So với Luật đấu thầu 2005 thì Luật đấu thầu 2013 bổ sung thêm 5 phương pháp đánh giá mới (Phương pháp đánh giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; phương pháp đánh giá cố định; phương pháp giá dịch vụ), nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Thứ ba, về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (mục 2 chương 2) quy định 4 phương thức gồm: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Việc quy định như vậy nhằm đẩy tái cơ cấu đầu tư công, quy định này góp phần  tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh, xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Luật cũng bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm.

Ngoài những điểm nói trên, Luật đấu thầu 2013 còn một số quy định mới như: cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đấu thầu quốc gia; quy định về việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu; lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế; hợp đồng trong đấu thầu; phân cấp trách nhiệm đấu thầu; hành vi cấm trong đấu thầu và biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, bỏ các trường hợp chỉ định do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài…

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 chương, 80 điều, ít hơn 6 điều và 6 chương so với Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005.

Về cơ bản Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Theo Luật, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát. Đồng thời, bổ sung một cách đầy đủ và toàn diện về hành vi gây lãng phí trong các trường hợp cụ thể (điều 27,32,45…), việc quy định như vậy giúp cho việc nhận diện hành vi gây lãng phí thuận lợi hơn, đưa công tác chống lãng phí  đi vào thực chất, hiệu quả.

Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể về các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có hành vi vi phạm, để xảy ra lãng phí ngoài trách nhiệm giải trình còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, trách nhiệm liên đới cũng đặt ra với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên nếu để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới và trong đơn vị cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc