Cục Cảnh sát giao thông: Vừa xử phạt, vừa tuyên truyền

13:02, 01/07/2014
|

(VnMedia)- Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho biết, đối với quy định xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn từ 1/7, phương châm là vừa xử ohgạt, vừa tuyên truyền cho người dân...

Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch 69 của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, kể từ ngày 1/7/2014, lực lượng chức năng mở cao điểm xử phạt người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện. Các trường hợp vi phạm trên bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, trong những năm qua, Bộ Công an đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lực lượng cảnh sát giao thông đã chấp hành và thực hiện nghiêm luật Giao thông đường bộ, Nghị quyết của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; mỗi năm kiểm tra, lập biên bản xử lý hàng triệu trường hợp người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Như vậy, việc xử lý không đội mũ bảo hiểm vẫn được tiến hành thường xuyên trên toàn quốc và thực tế việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm đã có những chuyển biến tích cực.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn quốc đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân để nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn và hành vi vi phạm; đồng thời xây dựng kế haọch, triển khai lực lượng để tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Với phương châm vừa xử phạt, vừa tuyên truyền cho người dân ý thức về hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ triển khai đồng bộ trên các tuyến giao thông tại các địa bàn từ khu vực nông thôn cũng như thành thị.

"Mong rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành theo chức năng được chính phủ giao, chúng ta sẽ phòng ngừa, ngăn chặn tốt việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, giúp cho người dân tự giác, ý thức về hiểu quả của việc đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng", Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chất lượng sẽ gặp khó khăn bởi việc nhận biết các dấu hiệu và quy trách nhiệm quản lý. Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy được coi là đạt chất lượng là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo, có dấu hợp quy CR, vì vậy cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ, làm trước, làm quyết liệt từ những nơi sản xuất, kinh doanh mũ. Với chức năng đảm bảo giữ gìn trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã và đang tiến hành xử phạt đối với các hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Trước mắt, nếu phát hiện các loại mũ như mũ thời trang, mũ không có nhãn hiệu và dấu CR... sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để xác định, tiến hành xử lý; đồng thời tuyên truyên, nhắc nhở người dân trong việc lựa chọn, sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Về thời gian sẽ giảm được tỷ lệ mũ bảo hiểm rởm, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 chúng ta đã bắt đầu triển khai việc xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm và đến nay có thể nói rằng tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng đã chuyển biến tích cực. Cái đạt được của quy định này là tạo ý thức tự giác của người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.

"Tuy nhiên, tình trạng là nhiều người tham gia giao thông hiện nay có mũ bảo hiểm nhưng vẫn mang tính đối phó, ví dụ: đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách, đội mũ không đạt chuẩn, không đội mũ bảo hiểm cho người ngồi sau, nhất là khi chở trẻ em", Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Về lâu dài, cần có sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của các cấp ngành, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân, sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thì việc đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn mới có những chuyển biến.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc