(VnMedia)- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa ra quyết định bắt tạm giam 3 trong 4 đối tượng trong vụ hơn 14.000 thuê bao điện thoại bị cài thiết bị nghe lén chấn động dư luận thời gian vừa qua. Một bị can còn lại tạm thời cho tại ngoại vì đang mang thai.
>> Vụ nghe lén điện thoại: Khởi tố vụ án, tạm giữ 4 đối tượng
Ảnh minh hoạ.
Chiều 1/7, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra vừa ra quyết định bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến vụ nghe lén điện thoại gây chấn động dư luận vừa qua. Ba đối tượng bị bắt tạm giam gồm Nguyễn Việt Hùng (40 tuổi), ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, là giám đốc Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm, 32 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội, là Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng; Trần Minh Ngọc, 24 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội, là nhân viên hỗ trợ khách hàng của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng.
Theo Đại tá Dương Văn Giáp, riêng đối tượng Nguyễn Thị Nga, 24 tuổi, là nhân viên tư vấn của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đang trong thời kỳ mang thai nên được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đại tá Dương Văn Giáp cũng cho biết, trong vụ án này, chúng tôi xác định có 2 nhóm người. Nhóm thứ nhất là Đưa và sử dụng trái phép… (theo điều 226 BLHS) – nhân viên công ty Việt Hồng; Nhóm 2: Số người thuê công ty Việt Hồng giám sát khách. Nhóm thứ 2 đang được cơ quan điều tra (có dấu hiệu vi phạm điều 125 BLHS), nhóm này cảnh sát đang phân loại để xem xét xử lý).
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự Hà Nội cũng cho biết, “nội dung nghe lén chủ yếu liên quan đến đời tư các cá nhân, chúng tôi bước đầu xác định nội dung nghe lén không có liên quan đến an ninh quốc gia hay tính mạng con người”.
Trước đó, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã tiến hành khởi tố vụ án vụ án cài đặt phần mềm nghe lén hơn 14.000 thuê bao điện thoại di động để thu lợi bất chính hơn 900 triệu đồng, xảy ra tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng, Hà Nội).
Theo đó tạm giữ 4 đối tượng là nhân viên của công ty này để điều tra làm rõ về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”, được quy định tại Điều 226 bộ Luật Hình sự.
Cuối tháng 5/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50 - Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng do Nguyễn Việt Hùng và Đặng Hồng Đăng làm giám đốc tạo ra và kinh doanh phần mềm Ptracker để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin…
Kết quả cho thấy, từ tháng 6/2013, Công ty Việt Hồng đã phát triển, cung cấp cho khách hàng dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động, bao gồm hai gói. Gói dành cho cá nhân tên là Ptracker và gói dành cho doanh nhân tên là PtrackerERP.
Khi người sử dụng có nhu cầu sử dụng phần mềm, công ty sẽ cài chế độ cho dùng thử trong 24 tiếng. Người dùng cầm máy điện thoại giám sát và tải theo địa chỉ trang web, hoặc soạn tin theo cú pháp DV, gửi đến 8189 để lấy đường link tải phần mềm về. Khi phần mềm được tải về, người dùng thử tự cài đặt phần mềm, sau đó hệ thống của Công ty Việt Hồng sẽ trả về tên truy cập là bảy số cuối của IMEI điện thoại cần giám sát và mật khẩu mặc định ban đầu là vhc.vn.
Mọi dữ liệu như danh bạ, tin nhắn các cuộc gọi đi và đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy điện thoại bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ sau khi nhận tín hiệu từ năm-mười phút. Sau 24 tiếng, nếu người dùng muốn sử dụng dịch vụ này thì tùy chọn các mức một tháng, ba tháng, sáu tháng, 12 tháng hoặc là gói vĩnh viễn chỉ với điều kiện là phải nộp 400.000đ/tháng.
Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50) Công an thành phố Hà Nội cho biết, kể từ khi cung cấp gói phần mềm trên, Công ty Việt Hồng có số lượng tài khoản đã từng sử dụng phần mềm Ptracker là 14.140 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản hiện vẫn còn lưu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng là 7.447 tài khoản. Hiện vẫn còn có khoảng 600/14/140 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm.
Theo kết quả xác minh của thanh tra, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, các hành vi của Công ty Việt Hồng như lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ, chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số, làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại... đã vi phạm hàng loạt các quy định, điều khoản của luật công nghệ thông tin.
Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Ý kiến bạn đọc