“Bầu” Kiên lĩnh án 30 năm tù giam cho 4 tội

12:15, 09/06/2014
|

(VnMedia) - Sáng ngày 9/6, sau 1 tuần nghị án, phiên sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn đã đến hồi kết với bản án được mong chờ. Theo đó, Nguyễn Đức Kiên bị tuyên

Ảnh minh họa
Nguyên Đức Kiên bị tuyên

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và 8 bị cáo khác bị truy tố về các tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2/1/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này. Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, "bầu" Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "bầu" Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB. Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.

Ảnh minh họa
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được tháo còng tay khi nghe tuyên án

Bản luận tội các bị cáo của Viện KSND khẳng định, không ít doanh nghiệp đã dùng những thủ đoạn trốn tránh trách nhiệm với nhà nước nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước, bất bình trong dư luận xã hội. Việc xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm thể thiện quyết tâm đấu tranh loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát cũng kết luận, trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo.

Theo HĐXX, về căn bản các bị cáo không thừa nhận nội dung cáo trạng đã truy tố trước đó. Tuy nhiên, qua tài liệu điều tra thẩm định tại phiên tòa cũng như việc tranh tụng công khai tại tòa, HĐXX đưa ra kết luận đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm như sau:

Căn cứ vào các tài liệu đã được thẩm tra, cũng như việc xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX cho rằng, có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép số tiền hơn 21.000 tỷ đồng. Tại tòa Nguyễn Đức Kiên thừa nhận dùng số tiền để thực hiện hoạt động kinh doanh nêu lên trong cáo trạng, nhưng Kiên không thừa nhận việc kinh doanh của mình trái pháp luật. Kiên cho rằng mình không phạm tội.

Tại Công ty Thiên Nam, mặc dù không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo việc mua bán vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài, trị giá tương đương hơn 9.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn kinh doanh vàng trạng thái trong nước với ngân hàng ACB... Tại tòa, bị cáo Kiên đã không khai nhận một cách thành khẩn nên HĐXX cho rằng, cần có bản án nguyên khắc đối với bị cáo ở hành vi này mới thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật.

HĐXX khẳng định, căn cứ vào những hành vi nếu trên đủ căn cứ để kết luận bị cáo phạm tội Kinh doanh trái phép.

Về hành vi “trốn thuế”, HĐXX cho rằng, nhằm lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, Công ty B&B đã thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) với công ty B&B để chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho cá nhân, nhằm trốn thuế hơn 25 tỷ đồng.

Dù bị cáo không thừa nhận việc trốn thuế nhưng tại tòa có thể kết luận việc ký hợp đồng ủy thác giữa B&B và Nguyễn Thúy Hương là không hợp pháp, mà chỉ là hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Việc buộc công ty B&B nộp thuế là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX cho rằng, bị cáo Trần Ngọc Thanh, Trần Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên đã có chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Tuy số cổ phần, cổ phiếu này đang bị phong tỏa nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện chuyển nhượng để thu về số tiền 264 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được cơ quan điều tra thu hồi và trả lại cho Tập đoàn Hòa Phát.

Tại tòa bị cáo Kiên không nhận tội và cho rằng bị cáo không thiếu tiền để phải chiếm đoạt tiền của Hòa Phát; việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu, cổ phần là hợp với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu điều tra và tại phiên tòa xét xử, HĐXX khẳng định, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Trần Hải Yến chiếm đoạt số tiền của Hòa Phát. Mặc dù không được hưởng lợi, nhưng Thanh và Yến biết cổ phần, cổ phiếu bị phong tỏa nhưng vẫn thực hiện hành vi, do vậy bị cáo Thanh và Yến là đồng phạm giúp sức. Tuy vậy, do các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của Kiên. Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận nên HĐXX thấy cần xem xét trong lượng hình đối với các bị cáo.

Về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo tại ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác là làm trái quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, gây thiệt hại cho ACB hơn 718 tỷ đồng. Các bị cáo cũng đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB, gây thiệt hại cho ACB hơn 687 tỷ đồng.

Đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Ngân hàng ACB), đã thực hiện thỏa thuận lãi suất tiền gửi, điều hành nhân viên gửi tiền đã tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền có sự giúp sức tích cực của Huỳnh Thị Bảo Ngọc , do vậy, cần đề nghị Bộ Công an khởi tố vụ án đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc.

Ảnh minh họa
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9/6

HĐXX khằng định, trong vụ án này tuy là kẻ chủ mưu, chỉ đạo nhưng trong trình điều tra và tại tòa, bị cáo không thành khẩn, không nhận tội… Do vậy cần cách ly bị cáo với xã hội thời gian dài, mức án cao.

Do vậy, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 20 tháng tù Kinh doanh trái phép; 6 năm, 6 tháng tù tội trốn thuế; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 18 năm tù về tội “cố ý làm trái”, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý và điều hành các tổ chức tín dụng, ngân hàng 5 năm. Chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 5 năm, 6 tháng tù năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 5 năm năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 8 năm tù về tội “cố ý làm trái”, cấm đảm nhiệm chức vụ và quản lý điều hành tổ chức tín dụng ngân hàng 5 năm.

Lê Vũ Kỳ (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB): 5 năm tù về tội “cố ý làm trái”. Cấm đảm nhiệm các chức vụ trong ngân hàng trong thời hạn 5 năm

Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù về tội “cố ý làm trái”, cấm đảm nhận các chức vụ trong ngân hàng trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù.

Phạm Trung Cang (60 tuổi, phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù về tội “cố ý làm trái”, cấm đảm nhận các chức vụ trong ngân hàng trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù.

Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 2 năm tù, cấm đảm nhận chức vụ trong ngành ngân hàng trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù. 


Khánh Công - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc