Một suất làm việc, vào trường đồng giá 200 triệu?

08:03, 09/06/2014
|

(VnMedia)- Để có một suất vào học tại trường Đại học Tăng Thị Hường đã đưa giá cho "khách hàng" là 200 triệu đồng. Đây cũng là giá của việc xin chuyển công tác...

Công an quận Đống Đa vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Tăng Thị Hường về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin ban đầu, công an quận Đống Đa đã nhận được đơn trình báo của các bị hại, do tin tưởng vào khả năng của Hường nên họ đã chuyển cho đối tượng này số tiền lớn để nhờ “chạy” trường, chuyển việc.

Cụ thể, đầu năm 2014, chị H.T.V trình báo sự việc Tăng Thị Hường có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, vào đầu tháng 10/2013, chị V. kể với Hường việc cháu mình tên là Q. vừa thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng không đủ điểm trúng tuyển nên muốn “chạy điểm”. Được chị V. nhờ, Hường nhận lời giúp với giá 200 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Ngày 22/10/2013, tại nhà riêng của Hường ở thuộc phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chị V. đưa cho người phụ nữ này 100 triệu đồng. Khi giao tiền, Hường viết giấy biên nhận bằng tay. Nhận được tiền, Hường đưa cho chị V. Giấy thông báo nhập học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thấy giấy thông báo nhập học ghi đúng tên cháu mình nên chị V. yên tâm mang về cho người nhà xem. Đến ngày 25/10, chị V. mang tờ giấy này và hồ sơ nhập học đưa cho Hường.

Ngày 29/10, chị V. giao nốt 100 triệu đồng còn lại cho Hường. Sau khi nhận đủ tiền và hồ sơ nhập học. Tuy nhiên, đến đầu 2014, cháu của chị V. vẫn không được nhập học như thỏa thuận. Nhiều lần chị V. tìm Hường đòi tiền nhưng thị không trả mà khất lần hoặc trốn không gặp.

Chị V cũng còn tố cáo Hường đã nhậc của một người bạn mình là T.T.G số tiền 200 triệu đồng với lời hứa sẽ lo chuyển công tác từ trường huyện Đan Phượng về huyện Từ Liêm. Vài ngày sau, Hường gọi điện bảo chị Giang đến gặp và đưa cho Quyết định tuyển dụng của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội). Ngày 29/10/2013, chị G. đưa 100 triệu đồng cho Hường nhưng vẫn không được chuyển công tác.

Cũng trong khoảng thời gian tiếp nhận và điều tra theo đơn tố cáo của chị V. CA quận Đống Đa tiếp tục nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Th. (ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) về việc, chị bị Hường lừa đảo chiếm đoạt số tiền 450 triệu đồng thông qua hình thức chạy việc tương tự.

Kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ CA) cho thấy, quyết định của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, giấy báo nhập học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và hai quyết định tuyển dụng của bệnh viện là giả.

Nhiều nạn nhân cả tin mất tiền xin việc

Mới đây, ngày 14/5, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Lê Công Duy Minh (31 tuổi, trú tại quận 5, TPHCM) 9 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ảnh minh họa

Theo cáo trạng, dù đã nghỉ việc tại Cảng Sài Gòn, nhưng Minh vẫn giới thiệu mình là nhân viên làm việc tại Cảng và có khả năng xin được việc làm tại các Cảng thuộc TPHCM. Theo đó, Minh đưa ra giá của việc làm nhân viên giao nhận bốc xếp tại cảng là 20 triệu đồng, vị trí nhân viên văn phòng có giá từ 80 - 90 triệu đồng.

Tin là thật, Dương Tấn Sửu (quốc tịch Mỹ, là người quen của Minh) đã nhận hồ sơ của những khác với giá cao hơn của Minh để hưởng chênh lệch rồi giao lại tiền và hồ sơ cho Minh để xin việc.

Trong khoảng thời gian từ 9/2012 đến 4/2013, Minh đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 bị hại với số tiền 400 triệu đồng.

Trước đó, đầu tháng 5/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT - PC46) Công an Hà Nội đã thụ lý điều tra vụ án Nguyễn Thị Thanh Tấm (28 tuổi), là công nhân Trạm bơm La Làng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, can tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Mặc dù chỉ là công nhân trạm bơm nhưng Tấm tự quảng cáo có nhiều quan hệ, có khả năng xin việc làm tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Tây cũ. Hàng chục người dân nhẹ dạ đã trao tiền cho "cô Tấm lừa đảo" này.

Một trong những bị hại của Tấm là chị Phùng Ngọc H. ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Giữa năm 2013, được người quen giới thiệu "có chị Tấm, làm việc tại Xí nghiệp Đầu tư thủy lợi Mỹ Đức, cụm thủy nông Quan Sơn là chuyên gia xin việc làm", chị H đã gặp Tấm đặt vấn đề nhờ xin việc. Tấm ra giá 200 triệu đồng với lời hứa sẽ giúp chị H. được một suất biên chế tại Xí nghiệp Đầu tư thủy lợi Mỹ Đức.

Gia đình chị H. đã nhiều lần chuyển đủ cho Tấm số tiền này. Tấm hứa đến đầu tháng 11/2013, chị H. sẽ có quyết định tuyển dụng. Đến hẹn, Tấm gặp chị H. trên... xe buýt rồi đưa ra một bản quyết định chị H. làm việc tại Trạm bơm La Làng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, trên quyết định có hình dấu đỏ, chữ ký của lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Đáy (Công ty Sông Đáy), nhưng không ghi ngày, tháng.

Chị H. thắc mắc thì Tấm nói sẽ đổi lại quyết định khác. Lần thứ 2, chị H. lại phát hiện tờ quyết định có ngày, tháng nhưng lại mắc lỗi sai chính tả, Nguyễn Thị Thanh Tấm đổ lỗi cho nhân viên đánh máy và đồng ý tiếp tục "đổi quyết định" khác.

Sau mấy lần sửa đi sửa lại, chị H. hớn hở cầm bản quyết định tuyển dụng đến Công ty Sông Đáy để trình quyết định nhận công tác. Tuy nhiên khi kiểm tra, các phòng chức năng của công ty trả lời không ban hành quyết định tuyển dụng nào như tờ quyết định mà chị H. trình ra.

Sau khi chị H. trình báo Cơ quan Công an, có rất nhiều người dân ở Vân Đình, Ứng Hòa cũng tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Thị Thanh Tấm. Tất cả bị hại đều qua người quen thông tin "rỉ tai" về một "cô Tấm" chuyên chạy việc làm tại các cơ quan nhà nước nên đã gặp Tấm để nhờ vả xin cho con, cháu.

Tấm chẳng nề hà từ chối một trường hợp nào, nhận tất, từ người mới chỉ tốt nghiệp cấp 3 cho đến trình độ trung cấp, cao đẳng… đang thất nghiệp ngồi nhà. Người nào có trình độ thấp, Tấm nói sẽ xin vào làm việc tại xí nghiệp thủy lợi, ai học cao hơn thì Tấm hứa sẽ xin vào làm việc tại bưu điện, bệnh viện, trường học.

Như trường hợp anh Trần Quốc Đ. tốt nghiệp Cao đẳng nghề công nghệ cao, chưa xin được việc thì được "cô Tấm" hứa sẽ xin vào làm việc tại bưu điện Mỹ Đức với chi phí 150 triệu đồng. Nhận tiền xong, đầu tháng 2/2014, Tấm đi taxi đón anh Đ. ra Bưu điện Hà Nội để "nhận quyết định".

Đến nơi, Tấm bảo anh Đ. ngồi ngoài chờ để Tấm vào lấy mang ra vì phải qua rất nhiều phòng ban, anh Đ. vào sẽ không biết đường nào mà lần. Một lát sau, Tấm nhờ một người tự xưng là làm việc tại phòng nội vụ cầm quyết định có dấu màu đỏ ra trao cho anh Đ..

Cầm tờ quyết định "thấy nghi nghi", nhà anh Đ. nhờ một người làm việc tại Phòng Nội vụ huyện xem hộ. Người này khẳng định tờ quyết định là giả mạo. Điện thoại hỏi Tấm, cô ta nói như đinh đóng cột rằng đây mới chỉ là quyết định tạm thời, khi nào đi làm sẽ có quyết định chính thức.

Tin tưởng "cô Tấm" ngày nay cũng thật thà như "cô Tấm" trong truyện cổ tích nên gia đình anh Đ. chờ đợi, cho tới khi sự thật "cô Tấm lừa đảo" được Cơ quan điều tra bóc trần…

Tùy theo nhu cầu công việc và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, Tấm phát giá xin việc từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/suất. Nhận hồ sơ xong, Tấm ném ngay vào… sọt rác. Sau đó cô ta lấy mẫu quyết định tuyển dụng của một số người đang làm việc tại các cơ quan để làm giả.

Một số trường hợp muốn xin việc tại các trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Tấm liền hỏi "mượn" quyết định tuyển dụng của cô giáo dạy con của Tấm để lấy mẫu. Qua giám định các tờ quyết định tuyển dụng giả mạo mà Tấm đã giao cho người bị hại, cơ quan giám định kết luận Tấm đã làm giả hình dấu và chữ ký lãnh đạo của 4 cơ quan: Công ty Sông Đáy, UBND huyện Thanh Oai, UBND huyện Mỹ Đức, Bưu điện huyện Mỹ Đức. Tất cả các quyết định giả này được làm bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã làm rõ với thủ đoạn lừa đảo xin việc làm tại các cơ quan Nhà nước, Nguyễn Thị Thanh Tấm đã nhận tiền và chiếm đoạt của 11 trường hợp với tổng số tiền 1.250.000.000 đồng.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc