Không dẫn độ 5 thành viên tổ bay sang Nhật

07:52, 29/03/2014
|

(VnMedia) - Liên quan vụ nữ tiếp viên Việt Nam bị bắt, mới đây, có thông tin cho rằng cơ quan pháp luật của Nhật Bản đề nghị Việt Nam dẫn độ 5 thành viên tổ bay của Vietnam Airlines để phục vụ điều tra...

>>
Nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật
>> Đình chỉ nữ tiếp viên bị bắt tại Nhật

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việt Nam không dẫn độ các tiếp viên

Trả lời về vấn đề này, một số luật sư cho rằng, Việt Nam không có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu này của nước bạn. Việt Nam cũng chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hay hiệp định dẫn độ với Nhật Bản.

Theo Luật Tương trợ tư pháp, "dẫn độ" là chuyển giao người có hành vi phạm tội cho nước khác để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan tố tụng của Việt Nam có thể dẫn độ người nước ngoài phạm tội đang ở trên lãnh thổ Việt Nam cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Luật Tương trợ tư pháp, Việt Nam từ chối dẫn độ khi người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam. Theo đó, nếu Việt Nam và một quốc gia chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, việc dẫn độ được thực hiện theo luật này.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, dựa theo Luật tương trợ tư pháp, nếu 5 thành viên trên là người Việt, Việt Nam không có trách nhiệm dẫn độ các tiếp viên và phi công nói trên sang Nhật Bản.

Theo luật sư Dũng, nếu 5 thành viên của Vietnam Airlines nói trên có hành vi phạm tội cùng nữ tiếp viên đang bị giữ ở Nhật, cơ quan pháp luật ở Việt Nam có thể khởi tố, xét xử bình thường như người phạm tội trong nước.

Việc xử lý những người này sẽ theo điều khoản trong Bộ Luật hình sự Việt Nam về những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan tố tụng của Việt Nam có quyền đề nghị Nhật Bản cung cấp hồ sơ về hành vi phạm tội của những người này. Trên cơ sở đó, cơ quan pháp luật khởi tố để điều tra, truy tố và xét xử. 

Riêng nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc đã bị bắt ở Nhật Bản nên việc tố tụng vẫn do cơ quan pháp luật tại nước bạn thực hiện. Điều này cũng giống như người nước ngoài đến Việt Nam phạm tội, cơ quan pháp luật của Việt Nam có quyền xử lý.

Trước đó, nữ tiếp viên của Vietnam Airlines là Nguyễn Bích Ngọc (26 tuổi) bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì
nghi ngờ vận chuyển quần áo ăn cắp trị giá khoảng 125.000 yên (gần 26 triệu đồng), trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến Sân bay Quốc tế Kansai hồi tháng 9 năm ngoái.

Ngày 27/3, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã quyết định đình chỉ công tác nữ tiếp viên này và 5 thành viên khác của tổ bay để phục vụ công tác điều tra phối hợp với cơ quan nước bạn.

Cục hàng không Việt Nam lên tiếng

Trước những thông tin về vụ việc trên, ngày 28/3, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức lên tiếng về vụ việc trên.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho hình ảnh của ngành Hàng không dân dụng cũng như Vietnam Airlines. Đặc biệt, sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cũng như pháp luật về hàng không dân dụng. Mặt khác, điều này cũng là nguy cơ đối với công tác bảo vệ an ninh nội bộ ngành Hàng không dân dụng.

Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam báo cáo về chi tiết vụ việc nêu trên cũng như công tác phối hợp giữa Tổng công ty với các cơ quan hữu quan.

Cục yêu cầu đình chỉ công tác các nhân viên của Vietnam Airlines có liên quan đến vụ việc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Mặt khác, Cục yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan vụ việc. Nhân viên có các vi phạm như trộm cắp, buôn lậu, vi phạm hình sự,... sẽ không được sử dụng lại.

Cục Hàng không cũng yêu cầu đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện của Vietnam Airlines về các biện pháp ngăn ngừa và ngăn chặn buôn lậu qua đường hàng không theo chỉ thị ngày 20/02/2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

"Vietnam Airlines phải báo cáo chậm nhất vào ngày 31/3" - Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo.

Điều 32. Luật Tương trợ tư pháp quy định: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể: Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Điều 35: Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

Bộ Công an có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết các yêu cầu của nước ngoài về dẫn độ.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc