Hai phiên toà thu hút sự quan tâm của dư luận tháng 4

20:07, 28/03/2014
|

(VnMedia)- Trong tháng 4/2014, sẽ có hai phiên toà được dư luận xã hội quan tâm và chờ đón, đó là vụ xử "đại án" Bầu Kiên vào ngày 17/4 và phiên toà xử bác sỹ ném xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang vào ngày 14/4.

>> Tại sao vụ "bầu" Kiên phải thay đổi cáo trạng 3 lần?
>> "Bầu" Kiên đón nhận cáo trạng mới như thế nào?
>>  Đại án "bầu" Kiên: Giữ 4 tội danh, thêm 2 bị can
>> "Bầu" Kiên và chặng đường vi phạm pháp luật

Mở phiên toà xét xử "đại án" tham nhũng liên quan đến bầu Kiên

Sau một số lần trì hoãn và thay đổi cáo trạng, phiên toàn xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm sẽ được diễn ra từ ngày 17 đến 29/4.

Trước đó, cáo trạng đã được chuyển tới Tòa Hà Nội, nhưng bị trả lại để điều tra bổ sung, làm rõ thêm đồng phạm trong vụ án.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Sau thời gian ngắn điều tra bổ sung, Viện KSND Tối cao vừa quyết định truy tố thêm hai bị can là Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (Ngân hàng ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (cựu thành viên thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) về hành vi "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Quá trình điều tra, đã xác định ông Cang từng tham gia và đồng ý với chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền Việt Nam đồng và USD tại các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB này còn tham gia và đồng ý với chủ trương của Thường trực Hội đồng quản trị về việc đầu tư cấp hạn mức tín dụng cho Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB để mua một số cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đối với bầu Kiên, tên đầy đủ là Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) cùng cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính – Trần Xuân Giá và 5 đồng phạm khác bị đề nghị xét xử về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái; Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.

Đơn cử như hành vi kinh doanh trái phép, ông Kiên bị cáo buộc từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, thông qua 6 công ty: Cty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Cty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Cty cổ phần đầu tư tài chính Á Châu, Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Cty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, do chính ông Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng thành viên, để tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép.

Cụ thể, ông Kiên bị cáo buộc điều hành 6 cty nói trên kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng, với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Được biết, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính – Phó Chánh án TAND TP Hà Nội sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tọa. Phiên xử bắt đầu mở từ ngày 17/4 tới, dự kiến sẽ tuyên án vào 29/4.

Bác sỹ vụ ném xác phi tang hầu toà

Ngoài ra, trong tháng 4 cũng có một phiên toà nhận được sự chú ý của dư luận, đó là vụ xét xử bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường), người đã ném xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng phi tang. Phiên toà dự kiến mở ngày 14/4.

Liên quan đến vụ án mạng gây chấn động dư luận thời gian qua, xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, ngày 22/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đã có kế hoạch đưa vụ án ra xét xử.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Theo đó, ngày 14/4 tới đây, Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) sẽ bị đưa ra xét xử về tội “xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 điều 246 BLHS và tội “vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 điều 242 BLHS.

Cùng hầu tòa với Nguyễn Mạnh Tường còn có Đào Quang Khánh (bảo vệ thẩm mỹ viện). Khánh bị xét xử về 2 tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS.

Dự kiến, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hợp. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội là ông Đỗ Minh Tuấn sẽ giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Ngoài ra, có 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại. Trong đó, 2 luật sư bào chữa cho Đào Quang Khánh, 1 luật sư bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường và 2 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là chị Lê Thị Thanh Huyền.         

Trước đó, ngày 18/02, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra bản Cáo trạng số 110/VKS-P1A. Cáo trạng của Viện kiểm sát đưa ra một số tình tiết khá bất ngờ. Cùng đi trên xe ném xác nạn nhân lúc đó còn có cả vợ Tường. Một bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai cũng đã đến giúp Tường cấp cứu cho chị Huyền nhưng không thành.

Cáo trạng của Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của Hằng không có dấu hiệu phạm tội "không tố giác tội phạm". Cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ. Theo Bộ Luật Hình sự, người nào che giấu hoặc không tố giác hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì không bị coi là phạm tội.

Một số nhân viên Thẩm mỹ viện phụ giúp Tường phẫu thuật, gây nên cái chết của chị Huyền. Nhưng Tường bị tuy tố tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, là loại tội phạm thực hiện với lỗi vô ý nên không có căn cứ xử lý đồng phạm.

Các nhân viên Thẩm mỹ viện có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm. Nhưng tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là loại tội phạm mà người che giấu, không tố giác đều không bị truy cứu hình sự. Cơ quan điều tra cũng không có căn cứ xử lý.

Ông Nguyễn Quang Thành, bác sĩ khoa Ngoại - Bệnh viện Bạch Mai biết Tường phạm tội nhưng không tố cáo. Hành vi này cũng không cấu thành tội.

Hành vi vứt xác chị Huyền xuống sông của Tường và Khánh đã xâm phạm thi thể, gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay chưa tìm được thấy xác chị Huyền, ảnh hưởng xấu đến đời sống tâm linh của gia đình chị Huyền và gây phản cảm về hình ảnh, y đức của người bác sỹ khiến dư luận lên án.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc