Bất thường Thông tư vô hiệu hóa Luật

16:14, 03/03/2014
|

(VnMedia)- Về nguyên tắc, khi ban hành Thông tư hướng dẫn phải tuân thủ tuyệt đối theo Luật đã ban hành trước đó, nếu thay đổi chỉ được thay đổi về hình thức chứ không được thay đổi về bản chất. Nhưng, Thông tư 16/2010/TT-BXD ban hành đã vô hiệu hóa Luật Nhà ở khi nội dung của Thông tư hướng dẫn trái với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010/NĐ-CP.

 

Chiều 28/2, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam một lần nữa khẳng định Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2010 là không trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71, đồng thời quy định này cũng phù hợp với Luật Dân sự, “do đó không có chuyện phải xin lỗi!”.

 

Đây vẫn là quan điểm của Bộ Xây dựng từ trước đến nay khi ngồi với các bên trong nhóm nghiên cứu về tính pháp lý của Thông tư 16/2010: Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), Cục Đăng ký thống kê (Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), Vụ Pháp luật (Ban Nội chính Trung ương)...

 

Tuy nhiên, với kiểu lập luận không sai, không vi phạm của Bộ Xây dựng đều đã bị bác bỏ bằng những lập luận của nhóm nghiên cứu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.


Ảnh minh họa


Luật đang bị vô hiệu hoá!
 

 

Trao đổi với VnMedia, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Bộ Tư pháp một lần nữa khẳng định, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2010 là trái luật Nhà ở và Nghị định 71. Về phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam , ông Lê Hồng Sơn cho biết ông sẽ không nói gì thêm bởi sự việc đang được Ủy ban Pháp luật giải quyết. "Hiện nay, để giải quyết sự việc là của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ trưởng. Còn ông Nguyễn Trần Nam phát biểu gì là việc của ông ấy", ông Lê Hồng Sơn cho biết.

 

Quay trở lại với Thông tư 16/2010, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, đưa ra câu hỏi: Nếu trong Luật Nhà ở không quy định, trong Nghị định 71 cũng không đề cập, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 vì mục đích gì. Mặt khác, dù đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không có gì sai khi ban hành Thông tư 16/2010, nhưng không sai thì Thông tư 03 có nhất thiết được ban hành?

 

Luật sư Kiệm cho rằng, Điều 87, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về "Giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật" đã quy định rõ: Văn bản quy phạm pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật; Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.

 

Còn tại Điều 88 "Nội dung giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật", cũng nêu rõ: Sự phù hợp của văn bản Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó; Sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản. Đặc biệt là sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của cùng một cơ quan.

 

Như vậy, nếu xét từ Luật Nhà ở, đến Nghị định 71, Thông tư 16 và mới nhất là Thông tư 03 thì đã thấy có sự không thống nhất với nhau. Theo như báo cáo của nhóm nghiên cứu, xét về thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết thì Luật Nhà ở chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, còn cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở ở Trung ương- cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng- thì trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư chỉ được ban hành quy chế quản lý nhà chung cư, hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong cả nước. Như vậy, nếu căn cứ vào Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn về cách tính diện tích sàn săn hộ chung cư.  Trong trường hợp giao cho Bộ Xây dựng quy định và ban hành mẫu hợp đồng mua bán nhà ở chứ không có nội dung nào giao cho Bộ Xây dựng cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư. Nếu căn cứ đúng theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản thì Thông tư hướng dẫn không được thay đổi về bản chất của Luật. “Ở đây, rõ ràng với việc ban hành Thông tư của mình, Bộ Xây dựng đang vô hiệu hoá Luật Nhà ở”, luật sư Kiệm phân tích.

 

Cũng theo luật sư Kiệm, trong trường hợp văn bản có vấn đề này thì căn cứ vào Điều 90, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc “Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật”, Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. 
 

Tại Điều 91 của Luật này cũng quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của mình và của bộ, cơ quan ngang bộ về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tự mình bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.

 

Có thể tính đến việc bồi thường?

 

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Hồng Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Luật Bồi thường nhà nước chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Việc hướng dẫn văn bản trái pháp luật của bộ xây dựng gây nhiều thiệt hại cho chủ đầu tư, cũng như người mua nhà , gây nhiều hệ lụy, bức xúc trong dự luận về trách nhiệm của bộ xây dựng nên thiết nghĩ việc quy định trách nhiệm bồi thường đối với hanh vi trên là cần thiết khi sửa đổi bổ sung luật bồi thường nhà nước để ràng buộc trách nhiệm đối với mọi cơ quan nhà nước khi gây thiệt hại do thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc