(VnMedia)- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang trở thành vấn nạn mà bất cứ ai có thể trở thành nạn nhân. Tin bạn bị lừa, tin người thân bị lừa, tin đối tác bị lừa. Người cùng phố lừa nhau; láng giềng lừa đảo nhau… Theo quy định của pháp luật, đối tượng lừa đảo sẽ phải nhận khung hình phạt như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc lừa đảo Đào Thanh Nhi (ngoài cùng bên phải). |
Nữ hiệu trưởng trường mầm non lừa đảo 70 tỷ đồng
Ngày 17/9, cơ quan điều tra công an TP Hà Nội cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thị Thanh Tâm (SN 1977), trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, Tâm đã thành lập 4 trường mầm non tư thục và đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng để thực hiện hành vi lừa đảo. Lợi dụng lòng tin của nhiều người, Tâm đã vay tiền và hứa hẹn trả lãi suất cao. Ban đầu Tâm đã thanh toán nợ, lãi đúng hẹn, nhưng sau thì vin vào lý do này, lý do nọ để lần lữa khất nợ.
Khoảng tháng 9/2011, Tâm đột nhiên bỏ cả 4 trường mầm non và “mất tích” khỏi nơi cư trú. Những người cho Tâm vay tiền đã làm đơn tố cáo hành vi quỵt tiền của nữ hiệu trưởng này.
Qua đơn tố cáo, cơ quan điều tra xác định có khoảng 60 người dân ở khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm, Chương Mỹ... là nạn nhân của Tâm. Số tiền Tâm chiếm đoạt của những người này ước tính khoảng 70 tỷ.
Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ
Nữ Phó Tổng Giám đốc xinh đẹp "ôm" 20 tỷ đồng
Ngày 18/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP Hà Nội) cho biết, cơ quan này đã phối hợp với PC46 TP. HCM bắt được bị can Đào Thanh Nhi (SN 1977, trú tại Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Giám đốc công ty cơ khi KI NHI, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty CP Progtechno Việt Nam để điều tra về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đào Thanh Nhi bị bắt khi đang lẩn trốn tại một khu chung cư ở quận 7, TP HCM. Ngay trong đêm cùng ngày, Đào Thanh Nhi đã bị áp giải bằng máy bay ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Theo cơ quan điều tra, bà Nhi đã gian dối trong việc làm giấy tờ đầu tư, thuê đất... để chiếm đoạt của ông Sugimoto Hiroyuki hơn 867.000 USD (khoảng 20 tỷ đồng).
Ngày 14/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thực hiện lệnh khám xét nơi ở, lệnh bắt đối với bị can Đào Thanh Nhi thì bị can này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú cũng như không có mặt tại nơi làm việc.
Giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ lừa tiền tỷ
Ngày 11/9, Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa tiến hành khởi tố vụ án giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của người dân.
Đối tượng bị khởi tố trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với Phạm Việt Hưng (SN 1959, ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa).
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, năm 2010, Phạm Việt Hưng đã tự nhận là cán bộ Văn phòng Chính phủ, có khả năng môi giới để thi công một số công trình xây dựng ở tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, Hưng đã cầm 600 triệu đồng của anh Lê Đức Thông - Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ và thương mại Hà Tĩnh và cầm 1,950 tỷ đồng của anh Nguyễn Trọng Đạt - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hợp Thành. Từ đó đến nay, hai Giám đốc trên vẫn chưa nhận được công trình xây dựng nào.
Hiện công an quận Đống Đa đang truy bắt Hưng đã bỏ trốn.
Lừa đảo nhiều vì chế tài xử phạt nhẹ?
Trao đổi với VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, loại hình tội phạm lừa đảo ngày càng gia tăng chính vì khung hình phạt dành cho tội này nhẹ. Theo phân tích của vị luật sư này, quy định tại điều 139 Bộ Luật Hình sự nếu người nào chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Trong khi đó, nếu buôn 1 bánh heroin trị giá khoảng dưới 200 triệu đồng, đối tượng đã có thể nhận án tử hình theo quy định tại Điều 194 Bộ Luật Hình sự về “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy”.
“Chính bởi việc bỏ án tử hình cho tội danh lừa đảo nên nhiều đối tượng muốn thu lợi bất chính đã chọn lừa đảo thay vì buôn bán ma tuý để né án tử hình”, luật sư Triển nói.
Hiện nay hình thức lừa đảo mà các đối tượng sử dụng chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Khung hình phạt cao nhất cho loại tội phạm này là chung thân dù gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ý kiến bạn đọc