Nghề báo và lằn ranh tham nhũng

18:43, 21/06/2012
|

(VnMedia)- Trong các nghề: giáo viên, công an, báo chí... chỉ duy nhất báo chí được vinh dự gọi là đội ngũ báo chí cách mạng, còn lại, những danh xưng cho các ngành khác lại là giáo viên nhân dân hay công an nhân dân. Cũng có lẽ vì được "ưu ái" nên với những người làm báo, thứ phải đấu tranh để vượt qua hàng ngày, hàng giờ là chạm tay vào tham nhũng...

Có lẽ ngành báo chí là một trong những ngành dễ dính đến tham nhũng, tiêu cực nhất. Bởi lẽ, chỉ cần "uốn cong" ngòi bút, tính chất câu chuyện đã bị xoay chiều khác đi. Có những bài báo vô tình đã đẩy nạn nhân vào tình huống "sống dở, chết dở". Có điều, gần như không có một nhà báo nào muốn mình thành "tội đồ" của bất cứ ai, cơ quan, đơn vị nào. Trong nhiều tình huống, nhà báo là nạn nhân, bị lôi vào cuộc chiến tham nhũng mà nhờ tỉnh táo mà không vướng vào vòng lao lý.

Cơ quan chức năng phối hợp cùng doanh nghiệp: "Bẫy" báo chí!

Cuộc chiến chống buôn bán vận chuyển gỗ trái phép luôn là đề tài nóng hổi được báo chí và dư luận quan tâm. Trong đó, những thông tin liên quan đến sai phạm trong quy trình tác nghiệp của lực lượng kiểm lâm, chi cục quản lý thị trường... lại càng nâng độ "hot" về thông tin đối với phóng viên.

8 năm trước, một vụ án liên quan đến gỗ lậu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo báo giới. Có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo Quảng Bình và một cửa khẩu khác ở Hà Tĩnh. Tại hai cửa khẩu này, cán bộ kiểm lâm đều gõ búa cho thông quan. Doanh nghiệp cũng không gặp bất cứ khó khăn nào với lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, khi về đến Hà Nội, toàn bộ số gỗ của doanh nghiệp bị lực lượng quản lý thị trường và kiểm lâm Hà Nội thu giữ.

Lý do của việc thu giữ vì cơ quan chức năng Hà Nội xác nhận toàn bộ số gỗ này được nhập khẩu trái phép về Việt Nam và đã có việc không thành khẩn khi khai báo về nguồn gốc gỗ, nhóm gỗ...

 Ảnh minh họa

 Không tỉnh táo, nhiều nhà báo sẽ tự đưa tay vào tròng vì tham nhũng.


Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đã có một cuộc ra quân rầm rộ của giới báo chí. Tất cả các đầu mối có thể xác minh phóng viên đều tiếp cận như đi Quảng Bình, Hà Tĩnh và làm việc ngay tại Hà Nội. Những thông tin phóng viên thu thập được tại Quảng Bình và Hà Tĩnh đều cho thấy số gỗ nhập về Việt Nam là hợp pháp. Chỉ duy nhất có "gợn" khi tiếp cận thông tin tại Hà Nội. Chi Cục quản lý thị trường và kiểm lâm Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm về số gỗ không có nguồn gốc rõ ràng.

Thậm chí, để có đủ thông tin để chứng minh kiểm lâm Hà Nội cố tình "hành" doanh nghiệp, phóng viên còn đăng ký làm việc với ông Hà Công Tuấn Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Rất nhiều bài báo đã được lên trang, nhiều ý kiến phân tích mổ xẻ cũng đã được các phóng viên đề cập. Những tưởng "phần thắng" đã thuộc về các cơ quan truyền thông, nhưng, bằng nghiệp vụ của mình, các cán bộ kiểm lâm Hà Nội vẫn tìm ra được kết luận chính xác của vụ việc. Giám đốc doanh nghiệp này sau đó đã bị đưa ra xét xử về hành vi buôn lậu và hiện vẫn đang thụ lý vụ án trong trại giam!

Hơn 20 phóng viên có liên quan đến vụ việc này sau khi biết tin doanh nghiệp phải thụ án đều đã thở phào nhẹ nhõm vì đã may mắn không "nhúng chàm". Bởi, trong quá trình điều tra vụ việc, ông chủ doanh nghiệp đã không ít lần nhét phong bì vào tay phóng viên. Thậm chí, vị giám đốc đó còn đưa cả "mỹ nhân kế" vào cuộc lôi kéo nhà báo tham nhũng.

Của đồng chia ba, của làng chia đôi

Trong các vấn đề báo chí tiếp cận để tác nghiệp, điều tra là phạm vi phóng viên dễ xảy chân nhất. Trong đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sai phạm đất đai. Vì nhiều lý do khác nhau, một chùa trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội bị lấn chiếm và chính quyền cấp sai sổ đỏ cho diện tích khá lớn, 2000m2. Trong hồ sơ gửi kèm báo chí, và trong các cuộc gặp gỡ để làm việc, người đại diện cho ngôi chùa này thường đưa ra lời hứa hẹn: Của đồng chia ba, của làng chia đôi.

Không chỉ lồng vào trong những lần gặp gỡ cung cấp thông tin, tài liệu, vị đại diện thậm chí còn xin số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của phóng viên để đến gặp và đề nghị về thoả thuận "lợi nhuận". Rất nhiều các cơ quan báo chí đã vào cuộc. Kết quả là UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo yêu cầu quận Đống Đa thu hồi lại việc cấp sổ đỏ vào đất chùa. 2000 m2 đất của chùa đã được trả về cho chùa.

Nhưng, cũng từ khi có quyết định của quận Đống Đa, nhiều phóng viên "ngại" không dám tiếp xúc với người đại diện của chùa, cũng bởi ngại xuất hiện trên bàn tính toán ăn chia tài sản của chùa do người đại diện kia công bố.

---------------------------------------

Trong nghề báo, những cạm bẫy kể trên không hề ít, nhưng gần như đa số các nhà báo, những người lao động trong môi trường đặc thù luôn cố tránh "cạm bẫy" bằng mọi cách. Một số ít người không chịu được cám dỗ, chót "nhúng chàm" và bị chuyển vai thành bị can, bị cáo. Nhưng với xứ mệnh là nhà báo cách mạng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, hàng ngày hàng giờ các nhà báo đang tự mình vượt ra khỏi lằn ranh THAM NHŨNG để có những bài báo hay, lay động lòng người và có sức lan toả trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, có một thực tế khó chối bỏ là, tham nhũng là một trong những loại hình tội phạm khó đoán định và dễ mắc phải. Ranh giới giữa đúng và sai ở một số tình huống, trường hợp cũng chỉ cách nhau một lằn ranh. Nếu không đủ bản lĩnh, đôi khi nói nhà báo là nạn nhân là thế.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc