(VnMedia) - Sau hơn 1 năm được giao chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex lại có đơn xin trả lại dự án cải tạo nhà B6 Giảng Võ cho UBND TP Hà Nội và cho chủ đầu tư cũ là Tổng công ty 36.
>> Hoang tàn dự án B6 Giảng Võ
>> Chủ đầu tư dự án B6 bị khởi kiện
>> Dự án B6 Giảng Võ: 3 lần đổi chủ
Trong vòng 9 năm, dự án xây mới nhà B6 Giảng Võ, Ba Đình đã 3 lần đổi chủ. Và xem ra, số phận dự án B6 Giảng Võ vẫn chưa thể có hồi kết do phía Mefrimex và Tổng công ty 36 (chủ đầu tư cũ) đang xảy ra tranh chấp về tài chính. Và điều đau xót nhất hiện nay là số phận của hơn 100 hộ dân nhà B6. Năm 2009, hàng trăm hộ dân đã di dời để giao mặt bằng lại cho chủ đầu tư xây dựng với lời hứa sau 2 năm ( tức là năm 2011), họ sẽ được quay trở về sống trong căn nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, họ đã phải sống trong cảnh lang thang, thuê mướn nhà cửa, sống tạm bợ trong vô vọng.
Trở lại câu chuyện tranh chấp giữa công ty Mefrimex và Tổng công ty 36, năm 2009, s au khi được giao làm chủ đầu tư, Tổng công ty 36 đã ký hợp đồng liên doanh với công ty Mefrimex, trong đó xác định Tổng công ty 36 chịu trách nhiệm thi công toàn bộ công trình. Công ty Mefrimex có nhiệm vụ thu xếp nguồn vốn cho dự án.
Dự án B6 Giảng Võ đắp chiếu 6 năm |
Tính đến hiện tại, Tổng công ty 36 đã hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng, và công ty Mefrimex sẽ phải thanh toán cho Tổng công ty 36 số tiền thi công công trình là 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay phía công ty Mefrimex không thanh toán đủ khoản tiền này cho Tổng công ty 36 theo đúng cam kết nên Tổng công ty 36 đã thực hiện việc dừng triển khai công trình năm 2012.
Đến tháng 12/2013, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép Tổng công ty 36 được chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà B6 cho công ty Mefrimex. Theo quyết định này, công ty Mefrimex sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện dự án. Việc chuyển nhượng này cũng được 100% các hộ dân B6 đồng tình ủng hộ.
Tháng 1/2014, hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với giá trị 192 tỷ. Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng, công ty Mefrimex cũng không thực hiện chi trả tiền cho Tổng công ty 36. Hiện, số nợ sau khi hai bên đối trừ các khoản tổng cộng là 259 tỷ đồng, cộng nợ và lãi phát sinh đến ngày 24/12/2014 là 68 tỷ đồng.
Trong khi đó, toàn bộ giá trị các hợp đồng đã được Tổng công ty 36 xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Công ty Mefrimex đã nhận các hóa đơn và kê khai thuế theo quy định, được khấu trừ khoản thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, đến hiện tại, công ty Mefimex không thanh toán các khoản nợ nói trên và Công ty này đã nhiều lần cam kết nhưng không thanh toán và không xác định công nợ.
Ai đã thẩm định năng lực tài chính của Mefrimex?
Việc Mefrimex thiếu năng lực tài chính để triển khai dự án là khá rõ. Nhưng không hiểu vì lý do gì ngày 31/12/2013, UBND TP Hà Nội vẫn ra quyết định cho phép Tổng công ty 36 được chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở B6 Giảng Võ cho công ty Mefrimex. Điều chắc chẵn, trước khi chuyển nhượng, các Sở ngành liên quan đã phải thẩm định năng lực tài chính của công ty Mefrimex rất kỹ lưỡng.
Cụ thể, trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội ngày 3/6/2013 do ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Sở Xây dựng ký có nêu rõ: Công ty Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, vốn pháp định 6 tỷ đồng. Công ty này có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động đầu tư bất động sản. Hiện, Mefrimex đang triển khai 4 dự án bất động sản lớn.
Trong tờ trình Sở Xây dựng ghi rõ vốn chủ sở hữu của công ty Mefrimex liên tục tăng trong các năm. Năm 2010, vốn chủ Mefrimex đạt 795 tỷ đồng; ngày 31/12/2011 vốn chủ tăng bất ngờ lên 1.762 tỷ đồng; ngày 30/9/2012 vốn chủ 1.993 tỷ đồng”. Căn cứ vào đề xuất của Sở Xây dựng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi (thời điểm ký) đã chấp thuận giao dự án B6 cho công ty Mefrimex.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, công ty Mefrimex đã đề nghị trả lại dự án B6 Giảng Võ cho Tổng công ty 36. Trong văn bản gửi Bộ Quốc Phòng ngày 26/11/2014, ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT công ty Mefrimex đề nghị trả lại dự án B6 cho Tổng công ty 36 để Tổng công ty tìm kiếm đối tác khác có năng lực tài chính để thực hiện dự án. Ngay sau đó, công ty Mefrimex cũng có văn bản gửi UBND. TP Hà Nội xin trả lại dự án này.
Rõ ràng, khi giao dự án cho công ty Mefrimex, các sở ngành của UBND TP Hà Nội đã phải kiểm tra, thẩm định năng lực tài chính của Mefrimex xem công ty có đủ năng lực để thực hiện dự án hay không. Vậy, tại sao biết công ty Mefrimex không đủ năng lực nhưng UBND TP Hà Nội vẫn giao cho đơn vị này triển khai dự án. Và hậu quả của việc này dự án tiếp tục bị chậm tiến độ nhiều năm và hơn 100 hộ dân sẽ vẫn phải sống trong cảnh chờ đợi vô thời hạn.
Bài tiếp: Dân B6 Giảng Võ kêu cứu
Ý kiến bạn đọc