(VnMedia) - Từ 1/7 tới, việc giao dịch mua bán nhà ở giữa khách hàng và chủ đầu tư phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Do vậy, người mua nhà sẽ không còn phải nơm nớp lo mất tiền khi mua nhà trên giấy.
Trao đổi với PV VnMedia về điểm mới trong Luật kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã cho biết như vậy.
- Ông nhận định như thế nào về thị trường bất động sản năm 2015?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Trong năm 2014, thị trường bất động sản đã khởi sắc trở lại, bớt khó khăn hơn thông qua việc giá cả bất động sản không còn giảm, giao dịch tăng mạnh ở các phân khúc, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội…
Trong năm 2014, một loạt chính sách mới, các văn bản điều chỉnh cho thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua và có nhiều điểm đột phá. Đây là yếu tố tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong năm 2015.
- Theo ông, những quy định nào sẽ tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản năm 2015?
Trong các chính sách thì Luật Đất đai có nhiều điểm mới, trong đó đưa ra những quy định cởi mở hơn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những điểm tạo cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc phát triển dự án. Bên cạnh đó, đối với các chính sách về ưu đãi cho các doanh nghiệp, cho các tổ chức, cá nhân phát triển dự án nhà ở xã hội được quan tâm hơn, nhiều ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc nới các điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở là chung cư, nhà ở riêng lẻ ở các khu biệt thự, liền kề sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS: Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trong năm 2015 |
- Nhiều người cho rằng thị trường bất động sản đã khởi sắc và vai trò của chủ đầu tư là rất quan trọng. Theo ông điều này có đúng hay không?
Thị trường bất động sản đã trải qua một thời kỳ phát triển quá nóng, nhiều chủ đầu tư không hoàn thành việc giao hàng đúng tiến độ nên người dân vẫn còn có băn khoăn và chọn lựa chủ đầu tư một cách kỹ hơn.
Sắp tới, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực và có nhiều quy định rất mới như chủ đầu tư muốn bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng. Ngân hàng sẽ bảo lãnh trách nhiệm tài chính của chủ đầu tư đối với người mua nhà. Nếu chủ đầu tư không thể bàn giao theo đúng cam kết thì phía ngân hàng sẽ trả lại tiền gốc cho người dân. Đây là một trong yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng và khách hàng không phải băn khoăn việc mình góp tiền cho chủ đầu tư và mất hẳn. Quy định mới này cũng sẽ tạo điều kiện để người dân quay trở lại thị trường, giúp cho chủ đầu tư có tiền để triển khai dự án.
- Đến ngày 1/7 tới, quy định bỏ giao dịch bất động sản qua sàn sẽ có hiệu lực. Vậy ông nghĩ đó có phải là biện pháp thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn không?
Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 có quy định mua bán bất động sản phải giao dịch qua sàn. Quy định này là phù hợp bởi thời điểm thị trường lúc đó đang phát triển rất nóng. Tuy vậy, đến thời gian thị trường đi vào ổn định thì việc yêu cầu chủ đầu tư bán qua sàn không còn cần thiết.
- Thưa ông, sau một thời gian dài thị trường bất động sản đóng băng, nhiều chủ đầu tư đã rời bỏ thị trường khiến, nguồn cung bất động sản bị ảnh hưởng và sẽ trở nên khan hiếm. Ông có lo ngại điều này không?
Đây cũng là lo ngại của các Cơ quan quản lý Nhà nước. Trong một thời gian dài, thị trường bất động sản đã không phát triển lành mạnh, chúng ta đã để thị trường ngắt quãng. Trong khi đó, thị trường luôn có độ trễ về chính sách, thời gian triển khai xây dựng 1 dự án cũng phải mất 3-5 năm. Bất động sản là hàng hóa đặc biệt bởi vì nhà ở khi đã được xây dựng thì không thể giảm đi được. Chính vì vậy, phải tính toán làm sao để cung cầu gặp nhau là rất khó.
Trong thời điểm thị trường khó khăn thì nhiều chủ đầu tư không phát triển dự án, sẽ dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương phải đưa ra chính sách để cân đối cung cầu, phải giảm bớt thủ tục hành chính. Và khi thị trường có dấu hiệu cung vượt cầu cũng phải có cơ chế để điều tiết dự án cho tiến độ phù hợp để cung cầu gặp nhau. Đặc biệt, phải xây dựng nguồn cung phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.
- Theo ông thời điểm nào sẽ là điểm rơi do thiếu hụt nguồn cung?
Thông thường, cứ khoảng 7-10 năm chúng ta sẽ gặp một cơn sốt thị trường bất động sản do cung cầu không gặp nhau và thị trường luôn có độ trễ. Do vậy, nếu chúng ta điều chỉnh thị trường không tốt thì sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản trong vòng 5 năm tới.
- Xin cám ơn ông!
Ý kiến bạn đọc