(VnMedia) - “Ở nước ngoài, bác sĩ gia đình học nhiều nhất, lương cao nhất và có danh giá nhất vì được người dân yêu quý. Còn ở Việt Nam, có Giám đốc Sở Y tế nào đưa con về làm bác sĩ tuyến xã không? Chắc chắn là không!” - PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế nói.
Y tế cơ sở: Bao phủ nhưng chất lượng yếu kém
Báo cáo tại Hội nghị "Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân", PGS, TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, mô hình bệnh tật đã thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép đòi hỏi những thay đổi từ hệ thống y tế.
“Khi mô hình bệnh tật thay đổi (trước đây 70% là bệnh truyền nhiễm, nay 70% là bệnh không lây nhiễm) nhưng chuyển đổi cung ứng dịch vụ chưa kịp, đây là điểm tồn tại của chúng ta” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, hiệu suất và hiệu quả trong sử dụng nguồn lực chưa cao trong điều kiện nguồn tài chính hạn chế; một số chỉ định thuốc, dịch vụ y tế quá mức cần thiết; hệ thống kiểm soát chuyển tuyến kém hiệu quả; cơ chế kiểm soát giá thuốc, dịch vụ y tế chưa đảm bảo tính khoa học; năng lực cung ứng dịch vụ y tế còn yếu, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở làm hạn chế mức độ thụ hưởng quyền lợi của người có bảo hiểm y tế, gia tăng chi phí cho bệnh nhân…
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, mặc dù mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, nhưng chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân lại chưa đảm bảo.
“Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân khác bảo hiểm y tế toàn dân. Chúng ta chọn bảo hiểm y tế đi trước và đã hoàn thành mục tiêu quốc hội đề ra. Tuy nhiên, nếu có thẻ bảo hiểm y tế nhưng cung ứng thiếu, không chất lượng thì thẻ bảo hiểm y tế cũng không có ý nghĩa nhiều. Mạng lưới y tế bao phủ khắp, rất gần dân nhưng năng lực không tốt, dịch vụ vẫn thiếu” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.
Bác sĩ gia đình: Vẫn còn làm hình thức!
Để giải quyết những bất cập trên thì mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một hướng đi được đánh giá là phù hợp, bởi bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa đa khoa, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh nhất.
Theo PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh (Bộ Y tế), BSGĐ biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khoẻ của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Mô hình BSGĐ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về lý lịch y tế cá nhân của bệnh nhân và tiền sử, hoàn cảnh gia đình; xác định các yếu tố nguy cơ để tư vấn, sàng lọc bệnh; tiết kiệm tiền và tránh được sự bất tiện của việc lặp đi lặp lại các test kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Việc triển khai mạng lưới bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả cũng sẽ giúp khắc phục quá tải bệnh viện, nâng cao hiệu quả hệ thống.
Theo Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020 được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh thành phố, với chỉ tiêu xây dựng 80 phòng khám. Tuy nhiên, theo PGS Lương Ngọc Khuê, mặc dù có 50% bác sĩ được đào tạo chuyên ngành y học gia đình, thời gian đào tạo ngắn nên chưa hiểu được và chưa thực hiện được khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Một số phòng khám có bác sĩ chuyên khoa I về y học gia đình song chưa triển khai được khám chữa bệnh theo đúng nguyên lý y học gia đình; một số nơi, triển khai phòng khám bác sĩ gia đình nhưng bác sĩ chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình (ví dụ Hà Nội); các chức danh khác (điều dưỡng, kỹ thuật viên) đang làm việc tại phòng khám chủ yếu là kiệm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình.
Trong khi đó, cơ sở vật chất của hầu hết phòng khám BSGĐ tại các tuyến còn chật chội, chưa đáp ứng được nhu cầu do đa phần lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa huyện hoặc phòng khám trạm y tế.
Đặc biệt, cơ số thuốc hạn chế, nhất là tại các trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại theo danh mục, thậm chí không đủ khám chữa bệnh thông thường.
“Có thể thấy, nguồn nhân lực chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám chữa bệnh quá trình quản lý bệnh nhân; chưa xây dựng hồ sơ quản lý sức khoẻ, bệnh án điện tử; thanh toán bảo hiểm y tế các dịch vụ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế; chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám bác sĩ gia đình nên các phòng khám tư nhân còn quá ít; người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình….” - PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Trong khi đó, hồ sơ phòng khám BSGĐ đang quản ký chủ yếu là những người mắc bệnh mãn tính; trang thiết bị, thuốc hạn hẹp, cũng có một số phòng khám được trang bị một số trang thiết bị nhưng đã cũ, hoặc không có nhân lực vận hành và chưa có cơ chế được thu phí; các phần mềm không tương thích với nhau (phần mềm bảo hiểm y tế và phần mềm bác sĩ gia đình).
“Khám một bệnh nhân mà cập nhật phần mềm mất từ 40-60 phút nên hiệu quả không cao, tốn nhiều công sức” - PGS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng và thêm rằng, các địa phương triển khai còn mang tính hình thức; không có kinh phí hỗ trợ triển khai mô hình bác sĩ gia đình; chưa có đầu tư trang thiết bị, thuốc…; cơ chế giá và thanh toán bảo hiểm y tế gặp khó khăn, đặc biệt là khi khám tại nhà bệnh nhân…
Theo PGS Lương Ngọc Khuê, đào tạo bác sĩ gia đình là một nhu cầu khách quan và tất yếu của hệ thống y tế. Hiện nay, các trường ĐH Y đã thành lập bộ môn, trung tâm y học gia đình với độ ngũ cán bộ có kinh nghiệm đào tạo.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo còn nặng nề, chậm cập nhật, khó liên thông và chỉ mới tập trung cho đào tạo bác sĩ. Chuyên ngành chưa đủ sức thu hút do nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ; vị trí công tác, chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ…
“Ở nhiều nước phát triển, BSGĐ là người học nhiều nhất, hưởng lương cao nhất và là người danh giá nhất bởi được người dân yêu quý. Nhưng ở Việt Nam thì sao? Tôi xin hỏi, có Giám đốc Sở nào đưa con về làm bác sĩ ở huyện không? Chắc là không” - PGS Lương Ngọc Khuê nêu ví dụ để nhấn mạnh, BSGĐ chưa thực sự được coi trọng.
Về định hướng trong thời gian tới, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ kết hợp nhiều loại hình nhiều phương thức đào tạo, kết hợp đào tạo và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật… “Nếu đến năm 2020 có 80% các tỉnh, thành phố triển khai thì mô hình phòng khám BSGĐ khi được hoàn thiện, phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lược dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội” - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chưa bệnh nhấn mạnh.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc