Trẻ mới bị cận thị, đeo kính liên tục sẽ làm tăng độ cận

06:48, 20/12/2017
|

(VnMedia) - Trẻ mới phát hiện cận ở mức độ nhẹ chỉ nên đeo kính khi nhìn xa như ở lớp học, đi đường… Nhiều người sai lầm khi cho con đeo kính cả ngày sẽ khiến độ năng tăng thêm… Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo.

viện mắt
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám mắt cho bệnh nhi

Chiều 19/12, bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức buổi chia sẻ về những vấn đề trong bệnh mắt trẻ em hiện nay.

Chia sẻ với báo chí, PGS – TS Hà Huy Tài, chuyên gia nhãn nhi, Bệnh viện Mắt Trung ương và cũng là chuyên gia cộng tác của Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 cho biết, trong 34 năm ông làm việc trong lĩnh vực nhãn nhi thì chưa thấy có một cuộc điều tra dịch tế học cấp quốc gia nào về khúc xạ học đường (cận thị). Tuy nhiên, ước tính, trong độ tuổi từ 6-15 thì có tới 35-38% trẻ ở thành thị cận thị, trong khi đó, ở ngoại thành, tỷ lệ này ước khoảng 25-30%. Nguyên nhân chủ yếu của tật cận thị là do nhìn quá gần, sử dụng nhiều thiết bị điện tử… Trẻ càng học nhiều, càng học giỏi thì nguy cơ cận thị càng cao. Bằng chứng là có trường chuyên, đến 70% trẻ bị cận thị.

Trước thực tế đó, không ít bậc phụ huynh đã tự đưa con đến các cơ sở kính mắt để đo mắt và mua kính cận cho con. Tuy nhiên, theo PGS Hà Huy Tài, có thể có một số phòng khám tư không có đủ trang thiết bị cần thiết, không có bác sĩ khám và kê đơn kính thuốc mà chỉ có kỹ thuật viên thử kính. Những kỹ thuật viên này có thể trình độ chuyên môn yếu hoặc cũng không loại trừ có cơ sở chạy theo lợi nhuận, chỉ định cho trẻ dùng kính khi chưa thật sự cần thiết.

“Có trường hợp trẻ mới bị cận nhẹ, hoặc cận giả, khi cho đeo thử kính thì cũng có thấy rõ hơn, nhưng được vài hôm thì lại xuất hiện cảm giác chóng mặt, nhức đầu bởi trong thực tế, trẻ không bị cận thị nên chỉ cần nghỉ ngơi, giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử là đã có thể trở lại trạng thái bình thường. Nếu khám ở bệnh viện chuyên về mắt, những sự nhầm lẫn này sẽ ít có khả năng xảy ra” – PGS Hà Huy Tài nói.

PGS Tài cũng nhấn mạnh, với những trẻ bị cận nhẹ, mới phát hiện thì chỉ nên đeo kính khi nhìn xa (trong lớp học hoặc khi đi đường) để nhìn cho rõ hơn, còn những lúc nhìn gần không nên đeo kính.

“Tôi hỏi, có nhiều phụ huynh không biết nên bắt ép con đeo kính liên tục, điều này là sai lầm vì càng đeo nhiều, đeo khi nhìn gần sẽ khiến cho trẻ ngày càng cận nặng hơn” – PGS Hà Huy Tài cảnh báo.

Liên quan đến hiện tượng có một số cơ sở tự nhận là có khả năng chữa cận thị bằng cách tập Yoga, xoa bóp bấm huyệt…, PGS – TS Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn của bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, Yoga bản chất là rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc vận dụng như thế nào là rất quan trọng.

“Quan điểm của các bác sĩ nhãn khoa là những phương pháp này không được vì các phương pháp chữa bệnh phải được cấp phép của Bộ Y tế. Họ làm như vậy là các cách trá hình dẫn dụ bệnh nhân đến phục hồi chức năng mà bỏ qua các bước chẩn trị. Lúc đầu, trẻ có thể do được mát-xa nên cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhưng lâu dần sẽ làm tăng độ cận, thậm chí có thể dẫn đến một số bệnh khác như nhược thị…, rất nguy hiểm” – bác sĩ Đặng Xuân Nguyên nói.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Bộ Y tế chưa cấp bất cứ một giấy phép nào cho những phương pháp chữa mắt kiểu dân gian, gia truyền... như Yoga, bấm huyệt, mát-xa, châm cứu… Do vậy, việc các cơ sở, cá nhân quảng cáo các phương pháp chữa này cũng là vi phạm pháp luật.

Về một số trường hợp gần đây các bà mẹ đã dùng những cách dân gian như nhỏ sữa, nước chanh vào mắt hoặc hơ bằng lá trầu không…, bác sĩ Nguyên cho hay, các phương pháp phản khoa học đó có thể gây bỏng cho mắt, tăng bội nhiễm…

Theo bác sĩ Nguyên, khi có bệnh về mắt nhất thiết phải đi gặp bác sĩ để được khám, điều trị đúng các bước. Không nên tự điều trị cũng như tự đi ra hiệu thuốc để mua thuốc vì dược sĩ có thể sẽ bán loại thuốc khiến giảm triệu chứng nhanh nhưng sau đó có thể gây nên hậu quả khôn lường cho mắt.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc